Trải nghiệm ngày thi

12/07/2014 03:00 GMT+7

Mùa thi, nhiều học sinh lớp 11 và sinh viên ở TP.HCM cùng trải nghiệm thử kiếm tiền trong vài ngày bằng việc bán báo…

 

 
Những học sinh tham gia chương trình bán báo do Thanh Niên tổ chức - Ảnh: T.N

“Nếu như mọi ngày trước, chắc giờ này bọn em vẫn còn quấn chăn ngủ say đến tận trưa rồi”, Ngọc Anh và Đông Quỳnh, học sinh Trường THPT Trưng Vương, cười thổ lộ. Trong 2 đợt thi ĐH vừa qua, nhận công việc bán báo, hai cô bé nhỏ nhắn này đã thức từ tờ mờ sáng kịp đón chuyến xe buýt đầu tiên từ nội thành ra Q.Thủ Đức để thực hiện công việc mới mẻ.

Ban đầu không ít người nghĩ việc bán báo với nhiều khó khăn: phải dậy sớm di chuyển quãng đường xa, lần đầu tiên giao tiếp với nhiều người, chịu cảnh mồ hôi mồ kê nhễ nhại khi dạo bán dưới cái nắng chói chang… sẽ khiến các bạn bỏ cuộc. Tuy nhiên, Phương Thùy, học sinh Trường THPT Trưng Vương, tâm sự: “Sau mỗi ngày lại có thêm hứng thú và càng yêu thích công việc này”.

“Ngày nào cũng chỉ muốn bán được số lượng thật nhiều. Đôi lúc mệt, nhưng em nghĩ tới ý nghĩa của việc học các kỹ năng, lại có thêm động lực quyết tâm và rủ mọi người cùng nhau cố gắng”, Phương Thùy bảo vậy.

Với Ngân Quỳnh, cùng học Trường THPT Trưng Vương, thì dịp này chính là cơ hội để bản thân rèn luyện rất nhiều kỹ năng mà bấy lâu nay chưa có được, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với mọi người ở nhiều lứa tuổi, kỹ năng thương thuyết khách hàng…

Không chỉ vậy, sau những ngày nhìn các bậc phụ huynh ngồi đợi con thi hàng tiếng đồng hồ với bao nỗi thấp thỏm âu lo, những bạn trẻ bán báo dường như cảm thông và hiểu hơn về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. “Tự nhiên thấy thương cha mẹ nhiều quá. Chắc chắn em sẽ cố gắng học tốt hơn để năm sau thi đậu ĐH, đáp lại sự mong mỏi và báo hiếu cha mẹ”, Thảo Nghi, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), chia sẻ.

Đặc biệt, bấy lâu sống trong sự bảo bọc và lo lắng của gia đình, chưa một lần tự bản thân kinh doanh để kiếm tiền nên không ít trong số họ thú thật đã từng tiêu tiền lãng phí, không đúng mục đích mà chẳng nghĩ để có tiền phải vất vả và cực khổ như thế nào. Sau những ngày đầu tiên trải nghiệm công việc bán báo để tự kiếm tiền bằng sức lao động, họ đã thay đổi nhận thức, không ngần ngại khẳng định đã biết quý trọng đồng tiền hơn.

Để có thể bán được nhiều báo, các bạn đã học hỏi nhiều cách thuyết phục khách hàng. Những lời mời mua báo nhỏ nhẹ, chân tình đã khiến khách hàng khó mà từ chối.

Hoàng Bảo ngày đầu tiên bán báo chưa quen, chân tay mỏi nhừ, được bạn bè xúm lại xoa bóp, an ủi động viên cùng nhau bán tiếp. Tú Song phải chạy bộ một quãng đường khá xa từ Trường CĐ Xây dựng về Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để kịp đi bán cùng các bạn, vậy mà vẫn khoe trong lúc thở gấp gáp: “Em bán hết chồng báo được giao rồi”. Ai cũng cảm thấy vui lạ thường.

Sau khi kết thúc buổi thi cuối của đợt 2 kỳ thi ĐH, nhiều bạn trẻ học sinh, sinh viên hỏi chúng tôi: “Có còn bán báo đợt nào nữa không, nhớ cho chúng em tham gia với”. Họ cho rằng đó là những cơ hội để mỗi người lớn hơn, trưởng thành hơn.

Bình luận

“Trải nghiệm công việc bán báo đã cho mình thêm nhiều bổ ích, được rèn giũa rất nhiều kỹ năng chưa từng được học tại trường”. Ngọc Anh (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4)

“Khi xin ba mẹ, thấy chương trình bán báo hay nên ba mẹ đồng ý cho mình tham gia ngay”. Tú Song (học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1)

“Tự tay bán báo và kiếm tiền, tuy không lớn nhưng những bài học đằng sau công việc này thật lớn và ý nghĩa”. Ngân Quỳnh (học sinh Trường THPT Trưng Vương, Q.1)

Khi người ta trẻ: Đừng bao giờ bỏ cuộc

Khi còn là học sinh THPT, tôi là đứa rất dễ dàng bỏ cuộc mỗi khi gặp một việc gì đó khó khăn hay những việc tưởng chừng như không thể làm được. Trong lớp, tôi là một đứa học tiếng Anh rất kém. Đã nhiều lần quyết tâm học cho bằng được để xứng với bạn bè. Nhưng rồi lại bỏ cuộc vì không thật sự cố gắng. Cứ mỗi lần làm việc gì được một nửa chặng đường, tôi lại bỏ cuộc để đi tìm một việc khác dễ dàng hơn. Tôi luôn nghĩ rằng mình đã cố gắng hết sức có thể và càng làm thì càng cảm thấy mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Đôi lúc cảm thấy hoàn toàn bế tắc, không biết hướng giải quyết như thế nào. Tôi đã từng rơi vào trạng thái chán nản vô cùng.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Và tôi chưa bao giờ thật sự thành công. Những thất bại đã phải trải qua vì quá dễ dãi với bản thân đã làm tôi nghiệm ra rằng cuộc sống của chúng ta không khi nào bằng phẳng. Cuộc sống luôn dẫn ta đối mặt với những khó khăn. Và trong những khó khăn, thử thách luôn là những cơ hội đưa ta đến thành công, làm ta có thể kiên cường và mạnh mẽ hơn.

Đừng bao giờ chán nản và dễ dàng bỏ cuộc, vì nếu một lần chúng ta bỏ cuộc sẽ dễ dàng bỏ cuộc lần thứ 2 và lần thứ 3 lại càng dễ hơn nữa. Dần dần, bỏ cuộc sẽ trở thành một thói quen xấu trong cuộc sống. Hãy kiên trì theo đuổi ước mơ, đừng bỏ cuộc dù cho đường đến thành công có khó khăn thế nào. Và hãy nhớ rằng thành công sẽ luôn mỉm cười với những ai biết cố gắng. Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi từ bỏ tất cả.

Hãy nhớ nhé! Đừng bao giờ bỏ cuộc!

Phan Nguyễn Minh Hiền

Nguyễn Thanh Nam

>> Chàng thanh niên khuyết tật bán vé số 8 năm tiếp sức mùa thi
>> T.Ư Đoàn thăm sinh viên Tiếp sức mùa thi
>> Xử lý xe ôm dùng dao tấn công tình nguyện viên tiếp sức mùa thi
>> Bên lề Tiếp sức mùa thi 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.