Nỗi lòng người thầy đi chấm thi

11/07/2014 12:15 GMT+7

Những ngày tháng luyện thi cực nhọc cùng bao tâm huyết của thí sinh chỉ để dồn vào mấy bài thi. Vậy nhưng, chỉ cần giáo viên chấm thi đại học lơ là, không làm việc bằng cái tâm của người thầy thì rất có thể những nỗ lực kia, những niềm tin kia sẽ sụp đổ. Và phải rẽ sang một hướng đi khác của cuộc đời cũng là điều dễ xảy ra.

Những tháng ngày luyện thi cực khổ cùng bao tâm huyết của thí sinh chỉ để dồn vào mấy bài thi. Vậy nhưng, chỉ cần giáo viên chấm thi đại học lơ là, không làm việc bằng cái tâm của người thầy thì rất có thể những nỗ lực kia, những niềm tin kia sẽ sụp đổ. Và phải rẽ sang một hướng đi khác của cuộc đời cũng là điều dễ xảy ra.

Nỗi lòng người thầy đi chấm thi
Thầy giáo chấm thi làm việc hết tâm sức cũng là góp phần đảm bảo sự công bằng
cho các thi sinh - Ảnh minh họa: Đ.N.Thạch

Kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng đợt 2 cũng đã khép lại với môn Ngữ văn ở khối D. Học trò gọi điện tíu tít khoe “Đề cho hay lắm thầy, con viết rất có cảm xúc và làm bài được lắm!”. Nghe các em gọi điện báo tin làm bài tốt, lòng vui cho các em rất nhiều, nhưng vui đó rồi lại lo đó. Lo vì đã từng tham gia chấm các thi kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng ở môn Ngữ văn, tôi thật sự cảm thấy buồn khi trong số những giám khảo chấm thi, có thầy cô hoàn toàn làm việc không bằng cái tâm của mình dành cho những trang viết của học trò.

Tôi nhớ trường tôi chấm năm đó mỗi xấp khoảng 36 bài thi. Có bài các em viết tới 2 hoặc 3 tờ giấy, và số lượng bài này chiếm tỉ lệ lớn trong mỗi xấp bài chấm thi. Mỗi xấp bài tôi phải chấm gần hết một buổi sáng, có hôm, chấm trúng xấp bài các em làm ngắn thì cũng được khoảng 1,5 xấp bài trong một buổi.

Vậy mà có giáo viên, trong một buổi sáng chấm 3 đến 4 xấp bài. Tôi nhìn mà ngưỡng mộ vô cùng vì không hiểu sao họ lại chấm nhanh như thế. Cho đến khi hai giám khảo so dò điểm với nhau thì tôi ngao ngán lắc đầu.

Tôi có một xấp bài phải so dò với một trong những giáo viên mà tôi quan sát là chấm rất nhanh. Và tất cả điểm chấm của tôi với giáo viên đó đều lệch từ 3 đến 4 điểm. Ban đầu, tôi hơi lo lắng vì cho rằng mình thiếu kinh nghiệm nên chắc chấm chưa đều tay. Ai dè, khi tôi thắc mắc, được cô giải thích thì tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều.

 
Thay vì em đó có thể được 7 điểm thì cuối cùng chỉ được 6, chênh nhau tới 1 điểm. Trong khi đó, thi đại học, chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm cũng có em đậu em rớt. 0,5 điểm cũng có thể làm nên hai cuộc đời khác nhau... Vì thế, nghĩ cho em thí sinh kia mà tôi chợt thấy buồn và thương cho em vô cùng…
Có một bài văn tôi chấm 7,25 điểm, cô giáo đó chấm 3,25 điểm. Tôi thấy lệch nhau nhất là ở câu nghị luận văn học, tôi thắc mắc vì sao cô cho điểm bài này thấp thế thì được cô giải thích là thí sinh không phân tích phần nghệ thuật. Tôi liền chỉ cho cô các đoạn học sinh đó phân tích nghệ thuật. Cô nói, thí sinh đó không có cảm nhận, chỉ diễn xuôi. Tôi liền chỉ cho cô những đoạn cảm nhận riêng của em học sinh đó, thậm chí có đoạn viết rất khá. Xong, cô liền nói: “À, chắc tại không để ý. Thôi, thống nhất cho 4 điểm!”. Tôi nghe mà rụng rời. Tôi không đồng ý. Thế là cô và các thầy cô xung quanh nhìn tôi đầy khó chịu.

Bài làm đó cuối cùng đưa lên cho phó chủ tịch hội đồng môn văn chấm. Cô phó chủ tịch chấm 7 điểm. Quyết định cuối cùng, tôi nhớ theo quy chế lúc đó là lấy điểm của ba giám khảo cộng lại chia ba, em đó được 5,83 điểm, làm tròn lên thành 6 điểm. Thay vì em đó có thể được 7 điểm thì cuối cùng chỉ được 6, chênh nhau tới 1 điểm. Trong khi đó, thi đại học chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm cũng có em đậu em rớt. 0,5 điểm cũng có thể làm nên hai cuộc đời khác nhau... Vì thế, nghĩ cho em thí sinh kia mà tôi chợt thấy buồn và thương cho em vô cùng…

Từ đó, có thể thấy là dường như một số giáo viên đã không đọc bài của học sinh, hoặc chỉ đọc lướt cho nhanh để tăng số lượng bài chấm, có như vậy thì số tiền chấm bài cuối cùng mới cao. Thậm chí, có một cô giáo, chấm bài của một em học sinh, em đó làm hai tờ, nhưng cô không biết, cô ghi vào phiếu điểm chấm thành hai bài làm của hai học sinh khác nhau. Vậy mà mỗi bài, cô đều có điểm đầy đủ ở ba câu, trong khi em học sinh đó làm câu 1, câu 2 và mở đầu câu 3 ở tờ 1, sang tờ giấy thứ 2 chỉ làm phần còn lại của câu 3 thôi. Hỡi ôi, đó đâu thể gọi là nhầm lẫn.

Đó là một trong những câu chuyện mà tôi góp nhặt trong hai năm tham gia chấm thi, còn nhiều lắm những chuyện ''bi - hài'' trong quá trình tham gia chấm. Vì vậy mới có chuyện có em học sinh khoe rằng “Con viết mở bài thiệt là hay, phần sau con viết tùm lum, ai dè được 7 điểm”. Có em, viết rất tâm huyết, chân thành, từng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, nhưng khi em báo điểm thì không khỏi ngậm ngùi: “Con làm bài cũng tốt lắm mà, sao điểm kỳ vậy…”.

Bao năm giảng dạy, tham gia chấm thi, tôi cũng hiểu phần nào như vậy, chỉ biết an ủi, động viên em cố gắng hơn trong những chặng đường mới…

Thiết nghĩ, trong quá trình chấm thi, nên chăng, hội đồng chấm đừng chạy đua với thời gian theo kiểu: “Hội đồng chúng ta bị nhắc nhở là chấm chậm rồi đấy, thầy cô cố gắng nhanh lên!”; hoặc quy định, mỗi thầy cô trong một buổi không được chấm quá bao nhiêu bài… Như vậy, thầy cô khi chấm bài có thêm thời gian đọc, cảm và chiêm nghiệm những trang viết của học trò, có như thế mới đánh giá đúng năng lực của các em, mới khuyến khích được các em đến với bộ môn văn.

Kỳ thi đã khép lại. Chỉ vài ngày nữa các trường sẽ bắt đầu tổ chức chấm thi. Nếu chúng ta không thực hiện chặt chẽ thì những câu chuyện và nỗi lòng về chấm văn sẽ còn tiếp tục. Và nỗi buồn của các em học sinh yêu thích thật sự môn văn, viết những bài văn bằng tất cả tình cảm của mình nhưng không được trân trọng sẽ còn vương vấn mãi trong từng bài giảng văn của mỗi giáo viên ngữ văn khi đứng lớp…

Hải Minh (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một giáo viên tại TP.HCM

>> Suy nghĩ khi chấm thi đại học môn Sử
>> Kết quả chấm thi đại học năm 2007: Điểm chuẩn sẽ như thế nào?
>> Bên lề kỳ thi đại học đợt 2
>> Hàng ngàn suất cơm miễn phí cho thí sinh dự thi đại học
>> Cùng thí sinh đến trường thi': Đưa thí sinh đi thi đại học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.