Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 6: Một Tổ quốc đồng lòng

12/07/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa không chỉ là những gia đình sắt son, mà còn có cả 90 triệu người dân Việt, cùng kiều bào trên mọi miền đất nước một lòng hướng về đất Mẹ, biển Tổ quốc.

(TNO) Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa không chỉ là những gia đình sắt son, mà còn có cả 90 triệu người dân Việt, cùng kiều bào trên mọi miền đất nước một lòng hướng về đất Mẹ, biển Tổ quốc. 

>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 5: Hậu phương vượt bạo bệnh
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 4: Những thế hệ đợi con, đợi chồng
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 1: Đám cưới chờ người về

Video: Hậu phương vững chãi những người giữ biển Hoàng Sa

Giây phút xúc động của đoàn Phật tử chùa Từ Quan và Ni trưởng Nhật Huệ đến thăm Vùng CSB 2 - Ảnh: Văn Doanh
Giây phút xúc động của đoàn Phật tử chùa Từ Quan và Ni trưởng Nhật Huệ đến thăm
Vùng Cảnh sát biển 2 - Ảnh: Văn Doanh
 


Qua hơn 2 tháng lực lượng thực thi pháp luật tại Hoàng Sa làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, đại tá Thái Minh Dũng, Phó chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2, cho biết ông đã rơi nước mắt khi đón một lão ni đã 85 tuổi vượt ngàn dặm suốt 3 ngày 3 đêm và dành số tiền tích cóp cả đời để ủng hộ CSB, Kiểm ngư.

Tích cóp cả đời

 
Cầm tận tay những tờ giấy bạc các cháu xếp thẳng thớm, chúng tôi rưng rưng nước mắt, tại Hoàng Sa dù tàu của chúng ta nhỏ hơn, lực lượng ít hơn phía Trung Quốc nhưng chúng tôi biết chúng tôi không đơn độc, bởi sau lưng còn có 90 triệu nhân dân đang tin yêu và tiếp sức
Đại tá Thái Minh Dũng,
Phó chỉ huy trưởng Vùng CSB 2

Một ngày giữa tháng 6, Sở chỉ huy Vùng CSB 2 đón một đoàn khách rất đặc biệt là các ni sư, Phật tử chùa Từ Quan (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) do Ni trưởng Nhật Huệ làm trưởng đoàn, đến thăm, tặng quà. Đại tá Thái Minh Dũng kể, từ đầu tháng 5 khi nghe tin anh em thực thi pháp luật nước ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở khu vực huyện đảo Hoàng Sa, Ni trưởng Nhật Huệ đã dùng số tiền tích cóp nhiều năm và vận động một số Phật tử đóng góp được 120 triệu đồng, quyết để dành động viên các anh Kiểm ngư, CSB.

“Mặc dù đã 85 tuổi và đi bộ phải có hai người dìu nhưng Ni trưởng vẫn quyết tâm vượt 1.200 cây số từ Đồng Tháp đến Quảng Nam và Đà Nẵng để trao cho CSB và Kiểm ngư mỗi lực lượng 60 triệu đồng”, đại tá Dũng nói.

Vậy là Ni trưởng thuê một chiếc xe, hành trình ngàn dặm mất 3 ngày 3 đêm bởi xe chạy khoảng 4 tiếng đồng hồ phải dừng lại vì sức khỏe Ni trưởng không cho phép. Đến nơi, Ni trưởng Nhật Huệ đã ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, chiến sĩ CSB cũng như điều kiện ăn ở, sinh hoạt của lực lượng làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, đoàn Phật tử cùng Ni trưởng đã tụng các bài chú cầu an lành, bình yên cho mọi người, Tổ quốc.

Đi cùng đoàn còn có em Nguyễn Quốc Việt (lớp 7A9 Trường Võ Thị Sáu, TP.Sa Đéc). Việt khoe nghe bà đi thăm các chú CSB nên em đã đập con heo tiết kiệm được 135.000 đồng để biếu các chú. Hay em Nguyễn Thiên Kim (lớp 1 Trường tiểu học Trưng Vương, TP.Sa Đéc) cũng kính tặng các chú CSB Vùng 2 số tiền 50.000 đồng em để dành được.

“Cầm tận tay những tờ giấy bạc các cháu xếp thẳng thớm, chúng tôi rưng rưng nước mắt, tại Hoàng Sa dù tàu của chúng ta nhỏ hơn, lực lượng ít hơn phía Trung Quốc nhưng chúng tôi biết chúng tôi không đơn độc, bởi sau lưng còn có 90 triệu nhân dân đang tin yêu và tiếp sức”, đại tá Dũng xúc động.

Ni trưởng Nhật Huệ cùng các Phật tử tụng bài chú cầu Tổ quốc và lực lượng thực thi pháp luật trên biển bình an - Ảnh: Văn Doanh
Ni trưởng Nhật Huệ cùng các Phật tử tụng bài chú cầu Tổ quốc và lực lượng thực thi pháp luật
trên biển bình an - Ảnh: Văn Doanh

Sau khi tiễn đoàn ra về, tổ tiếp nhận quà của Vùng CSB 2 kiểm tra lại phong bì thì phát hiện dư 3 triệu đồng. Vùng CSB 2 đã điện báo cho đoàn, thì thật bất ngờ, Ni trưởng Nhật Huệ nói cán bộ chiến sĩ Vùng CSB 2 cứ giữ số tiền dư, và Ni trưởng sẽ bổ sung 3 triệu đồng vào số tiền 60 triệu đồng dành tặng lực lượng Kiểm ngư để “bằng anh bằng em”.

Chọn từng bó rau, miếng thịt

Đại tá Võ Văn Kính, Phó chính ủy Vùng CSB 2, chia sẻ ngay ngày đầu lực lượng CSB, Kiểm ngư ra khơi bám biển làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng này đã nhận được sự gửi gắm động viên của nhân dân khắp mọi miền đất nước .

Đại tá Thái Minh Dũng tâm sự, những câu chuyện cảm động về nhân dân ủng hộ lực lượng thực thi pháp luật đã được đơn vị truyền tải rộng rãi đến cán bộ, chiến sĩ trong những đợt sinh hoạt, học tập chính trị, để lực lượng thêm quyết tâm với nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin được giao phó.

Lực lượng KN tiếp phẩm lên tàu - Ảnh: Nguyễn Tú
Lực lượng Kiểm ngư tiếp phẩm lên tàu - Ảnh: Nguyễn Tú

Như câu chuyện các chiến sĩ đi chợ tiếp phẩm ở chợ Đống Đa (Q.Hải Châu TP.Đà Nẵng). Vừa thấy các anh, các dì ở chợ đã tự tay chọn và tặng thêm những bó rau ngon nhất, ới nhau chung được hơn 4 triệu đồng tặng các anh để tăng thêm phần ăn.

Tiểu thương chợ Đống Đa tặng thêm từng bó rau cho lực lượng CSB - Ảnh: Nguyễn Tú
Tiểu thương chợ Đống Đa tặng thêm những bó rau cho lực lượng CSB - Ảnh: Nguyễn Tú

“Hay như chị Hương và nhóm thiện nguyện của chị ở đường Hàm Nghi (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), chị có nguyện vọng xuống tàu để biết anh em cán bộ, chiến sĩ thiếu gì trong sinh hoạt nhưng vì nhiệm vụ quân sự nên chúng tôi không thể, tuy vậy chị đã lặn lội vào tận Quảng Nam, tìm mua đúng heo quê, cùng cả nhóm làm dăm bông, ruốc thịt, đóng hộp để chúng tôi có thể dùng với cơm dài ngày trên biển”, đại tá Dũng kể.


 Bà Nguyễn Thị Đài, mẹ của 3 CSB, Kiểm ngư viên làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa đang bồng con của
anh Ngọc - Ảnh: Nguyễn Tú

Vậy mà có lần đại tá Dũng nhờ phóng viên viết về chị liền bị chị gạt phăng, bởi chị nói đó là trách nhiệm bình thường của bất cứ người con đất Việt nào cũng phải làm, không có gì đáng nói.

Đại tá Dũng cho biết thêm, ngoài ra, hiện nay các bệnh viện lớn trên cả nước đã và đang điều trị miễn phí cho thân nhân các cán bộ, chiến sĩ CSB đang làm nhiệm vụ, kể cả các bệnh hiểm nghèo, nan y, mạn tính như chạy thận, ung thư, đó là nguồn động viên lớn lao đối với lực lượng.

Chị Võ Thị Nghĩa và con vững tin nơi hậu phương để chồng làm nhiệm vụ
Chị Võ Thị Nghĩa và con vững tin nơi hậu phương để chồng làm nhiệm vụ - Ảnh: Nguyễn Tú

“Cuộc đấu tranh với Trung Quốc buộc rút giàn khoan Hải Dương-981 còn dài, âm mưu Trung Quốc còn leo thang, nhưng hiện nay không có một đồng chí nào có tư tưởng mệt mỏi, có đồng chí vừa trực Tết mấy tháng trời, chưa kịp về phép đã tiếp tục nhiệm vụ mới lênh đênh suốt 7-8 tháng nay vì đặc thù vị trí máy móc, khí tài mỗi tàu mỗi người không thể thay thế”, đại tá Dũng tin tưởng.

“Nếu má còn sống đến cuối năm sẽ tiếp tục ra thăm mấy đứa”, đó là lời của Ni trưởng Nhật Huệ chào tạm biệt. Đại tá Dũng đã rơi nước mắt, thay mặt toàn lực lượng khẳng định quyết giữ từng con sóng của biển đảo quê hương.

Gia đình anh Tiến, chị Phương cùng con nhỏ trong căn phòng trọ
Gia đình anh Tiến, chị Phương cùng con nhỏ trong căn phòng trọ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những gia đình Hoàng Sa

Những ngày huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) dậy sóng bởi Trung Quốc bạo ngược, có những gia đình cả mấy anh em đều gia nhập lực lượng CSB và Kiểm ngư.

Đó là những người con trai cương quyết mang tuổi xuân phụng sự đất nước của bà Nguyễn Thị Đài (63 tuổi, quê quán H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngoài biển Đông đang nóng bởi tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc liên tục bao vây, đâm va, phun vòi rồng tấn công tàu VN thực thi pháp luật, lòng người mẹ cũng nóng ran. Bởi những người con của bà Đài là: trung úy Nguyễn Văn Ngọc (nhân viên điện tàu CSB 4033); anh đầu Nguyễn Văn Viên (42 tuổi) cũng là Kiểm ngư viên Chi đội Kiểm ngư 3 (KN761), con thứ ba là Nguyễn Văn Tú (24 tuổi) cũng theo anh làm CSB (tàu CSB 2014). Đợt này, cả 3 anh em đều đang trực chiến Hoàng Sa với quyết tâm đuổi giàn khoan Trung Quốc ra khỏi vùng biển Tổ quốc.

“Thằng anh không rủ mà thằng em cũng cứ ưng ra biển, tôi còn thằng út vừa học xong THPT cũng xin đi lính biển ra Hoàng Sa dù đã biết 3 anh của nó gian nan vất vả thế nào, tôi dọa đi như anh mày già quá 30 tuổi đầu mới lấy được vợ, mà nó vẫn cười xin đi”, bà Đài nói.

Một gia đình khác mà cả anh em cũng đang trực chiến Hoàng Sa là thiếu úy Nguyễn Nam Tiến (35 tuổi, quê xã Tiến Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình), nhân viên pháo tàu CSB 2012 và anh trai là Nguyễn Văn Lương (39 tuổi), Kiểm ngư viên Chi đội Kiểm ngư 3.

Nguyễn Tú

>> Ngư dân vẫn kiên cường giữ biển Hoàng Sa
>> Vượt nguy hiểm, khó khăn quyết giữ biển Đông
>> Đại gia đình giữ biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.