Cần gióng lên hồi chuông về giáo dục

08/07/2014 18:15 GMT+7

Có nhiều sự kiện, sự việc có vẻ chẳng liên quan tới nhau nhưng xét kỹ ra thì nó đều là hệ quả của một xuất phát điểm. Những việc đáng buồn mà báo chí vẫn phản ánh hàng ngày khiến người ta liên hệ nhiều tới yếu tố giáo dục .

Có nhiều sự kiện, sự việc có vẻ chẳng liên quan tới nhau nhưng xét kỹ ra thì đều là hệ quả của một xuất phát điểm. Những việc đáng buồn mà báo chí vẫn phản ánh hằng ngày khiến người ta liên hệ nhiều tới yếu tố giáo dục.

 

 
Nền giáo dục tốt sẽ tạo ra lớp người kế cận hoàn thiện hơn về nhân cách và tri thức
- Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Theo thông tin từ các báo trong nước, chỉ trong hai ngày (5 và 6.7.2014), đã có tới 3 vụ trọng án. Vụ thứ nhất: Một học sinh lớp 11 đang ngồi nhậu dùng chai bia ném chết người (Tại Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, vào chiều 6.7). Vụ thứ hai: Một học sinh lớp 11 khác tại Tiền Giang đâm chết bạn gái sau khi trèo vào nhà bạn đòi yêu mà không được (ngày 5.7). Vụ thứ ba: Tại Đà Nẵng, tối 5.7, một học sinh bị tạt a xít.

Đã có nhiều vụ án khác xảy ra trước đây. Nhưng 3 vụ trọng án (nếu xét kỹ thì chỉ diễn ra trong vòng hơn 24 giờ), đối tượng gây án và nạn nhân là học sinh phổ thông khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Xét về nguyên nhân, có thể thấy rõ đó là một mảng kết quả của giáo dục, quản lý xã hội và tác động của môi trường sống. Thế nhưng, quản lý xã hội và môi trường sống cũng là những mảng kết quả khác của giáo dục. Rốt cuộc, nguyên nhân cơ bản vẫn xuất phát từ vấn đề của giáo dục.

Trong các kỳ thi quốc tế dành cho học sinh phổ thông, có rất nhiều học sinh Việt Nam đoạt huy chương các loại. Điều đó làm chúng ta tự hào. Nhưng chúng ta có nên thỏa mãn và nhìn thành quả giáo dục chỉ theo hướng đó hay không?

Dù có 1.000 học sinh đoạt giải thi quốc tế, nhưng có một học sinh phạm tội, chúng ta cũng phải giật mình. Cũng đừng nên so sánh rằng ở nước nọ nước kia, học sinh phạm tội đầy ra, ở ta có vài trường hợp sao phải ồn ào. Cái gì cũng có điểm xuất phát, sau đó là phát triển. Khi nó phát triển vượt khả năng kiểm soát, kêu trời cũng chẳng ích gì.

Mới đây, báo chí lại phản ánh về sự phẫn nộ của mọi người đối với một giám thị có thái độ miệt thị thí sinh trong kỳ thi đại học những ngày đầu tháng 7.2014. Đó là một giảng viên đại học. Giám thị này đã có những thái độ và hành động đẩy thí sinh vào tâm trạng lo lắng, bất an trước giờ thi. Sau đó, những chuyện này lại được ông ta tả lại trên facebook của mình một cách rất hứng thú.

Thầy giáo miệt thị học sinh, rõ ràng tư duy thầy có vấn đề. Thế nhưng trong một môi trường sống tốt, cho dù tư duy có vấn đề cũng phải kiềm chế, cân nhắc trước khi hành động. Sự việc trên xảy ra cho thấy môi trường sống của chúng ta hiện cũng không được lành mạnh. Và với thầy giáo như thế, môi trường sống như thế, tư duy học trò khó lòng không méo mó.

Một sự kiện khác: Ngày 5.7.2014, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo TP ngừng triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp. Cơ quan Tổng lãnh sự Anh cũng đã bác yêu cầu đính chính của Sở giáo dục và đào tạo rằng đã có sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục Anh và sở Giáo dục đào tạo TP.HCM; khẳng định rằng không hề có sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục Anh và Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM.

Sự việc trên cho thấy hai điều: Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi lẽ ra không ai có thể bàn cãi về sự trung thực, đã để lại sự nghi ngờ. Thứ hai: Cơ quan ngoại giao là đại diện của một nước, họ hiểu rõ quốc gia của mình và chí ít cũng có lòng tự trọng ngoại giao.

Có thể có ai đó cho rằng các sự kiện nêu trên là những câu chuyện rời rạc ở nơi này nơi kia, chẳng có liên quan gì. Nhưng không, dù xảy ra ở những nơi khác nhau, nhưng trong cùng một quốc gia, thụ hưởng cùng một nền văn hóa, một môi trường sống, một môi trường giáo dục, nó có quan hệ với nhau. Và mối quan hệ nổi bật có thể thấy, là mối quan hệ nhân quả rất rõ ràng.

Thiết tưởng, đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cấp báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, mà khởi nguồn của nó, cũng là yếu tố cần soi kỹ nhất chính là giáo dục.

Nguyễn Phan Long*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một cựu quân nhân sống tại TP.HCM

 >> Giáo dục trung học tại PHS: Chương trình hướng nghiệp cho học sinh trung học
>> Sửa đổi cách đánh giá học viên giáo dục thường xuyên
>> Tập huấn truyền thông về sự nghiệp giáo dục
>> Lại một lỗ hổng của giáo dục
>> Đứng xa nhìn... triết lý giáo dục
>> Homeschooling - Mô hình giáo dục tại nhà ở Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.