Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH: Đề thi chủ yếu kiểm tra năng lực

07/07/2014 09:00 GMT+7

Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều môn thi và đặc biệt là các môn xã hội. Trước những thay đổi trong đề thi ở đợt 1, phóng viên Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) xung quanh đề thi sắp tới.

 Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH: Đề thi chủ yếu kiểm tra năng lực
Thí sinh tại TP.HCM trao đổi về đề thi đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa diễn ra cuối tuần qua - Ảnh: Ngọc Thạch

>> Đáp án các môn thi đợt 1 của Bộ GD-ĐT năm 2014

* Thưa ông, đợt 1 vừa qua thí sinh (TS) rất bất ngờ khi đề thi không còn phần tự chọn và bắt buộc như các năm trước đây. Vì sao lại có sự thay đổi này?

 

 

Ở đợt 2 có nhiều môn xã hội nên đề thi sẽ ra theo hướng mở. TS sẽ không phải học thuộc lòng mà vận dụng kiến thức để làm bài. Vì vậy các em không nên mang theo tài liệu vào phòng thi vì có mang vào cũng không thể sử dụng được 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

- Theo tôi, đề thi của đợt 1 kỳ thi năm nay đã đáp ứng đúng yêu cầu của ban chỉ đạo tuyển sinh là phân hóa TS rất tốt. Đề thi có phần dễ, trung bình, khó và rất khó. Đề thi đã tiếp cận theo hướng kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra kiến thức của TS một cách máy móc. Môn vật lý và hóa còn có những câu hỏi có tính thực hành yêu cầu TS phải vận dụng kiến thức thực hành mới có thể làm được. Các môn thi đã sử dụng kiến thức phổ thông giao thoa giữa chương trình cơ bản và nâng cao. Mục đích của việc ra đề như vậy là để tránh những rắc rối cho TS khi phải chọn một trong hai chương trình để làm bài, dễ dẫn đến phạm quy. Đặc biệt, đề thi này là để đánh giá TS vận dụng kiến thức như thế nào nên không nhất thiết phải có phần cơ bản hay nâng cao. Với cách ra đề như vậy sẽ đánh giá được học sinh có cùng một năng lực như nhau. 

* Vậy ông có thể cho biết trong đợt 2 đề thi sẽ được ra như thế nào?

- Đề thi của đợt 2 sẽ tiếp cận hướng ra đề của đợt 1 cũng như đề thi ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hướng ra đề vẫn là để kiểm tra năng lực. Nội dung đề sẽ là những kiến thức phổ thông bao gồm cả chương trình cơ bản và nâng cao. Tuy nhiên không loại trừ có những môn thi vẫn có phần tự chọn dành riêng cho TS học ở hai chương trình này.

* Ông có lưu ý gì với TS trong đợt thi này?

Ở đợt thi này có nhiều môn xã hội nên đề thi sẽ ra theo hướng mở. TS sẽ không phải học thuộc lòng mà phải vận dụng kiến thức để làm bài. Vì vậy các em không nên mang theo tài liệu vào phòng thi vì có mang vào cũng không thể sử dụng được. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ đợt 1 kỳ thi, mặc dù đã được giám thị nhắc nhở rất kỹ nhưng có TS vẫn mang theo điện thoại di động vào phòng thi dẫn tới bị đình chỉ thi. TS cũng không thể gian lận được bằng hình thức thi hộ, thi kèm hoặc mang các thiết bị thực hiện gian lận trong khi thi. Kể cả việc này có thực hiện trót lọt các em cũng sẽ bị phát hiện trong quá trình học sau này. Nếu bị phát hiện thì các em sẽ bị thu hồi bằng. Do đó, các em hãy tự tin làm bài bằng chính năng lực của mình để đạt được kết quả tốt nhất.

Gần 750.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi đợt 2

Ngày mai 8.7, TS cả nước tiếp tục đến trường làm thủ tục đăng ký dự thi ĐH đợt 2.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 749.730 hồ sơ TS đăng ký dự thi, thấp hơn năm trước gần 100.000 hồ sơ. Đợt thi này có 139 trường tổ chức thi với rất nhiều khối bao gồm B, C, D và các khối khác. Theo thống kê hồ sơ đăng ký dự thi, năm nay số TS dự thi khối B giữ ổn định, khối C tăng lên, còn khối D giảm. Đợt thi này có nhiều khối thi nên Bộ đặc biệt lưu ý các hội đồng tuyển sinh cần thận trọng khi nhận và bóc đề thi để tránh nhầm lẫn giữa các môn thi của các khối thi khác nhau.

Vũ Thơ 

Ngày

Buổi

Môn thi

Khối B

Khối C

Khối D

Ngày 8.7

Sáng

Từ 8g00

Làm thủ tục dự thi, xử lý những sai sót trong đăng ký dự thi của thí sinh

Ngày 9.7

Sáng

Toán

Địa

Toán

Chiều

Sinh*

Sử

Ngoại ngữ*

Ngày 10.7

Sáng

Hóa*

Ngữ văn

Ngữ văn


(*): Môn thi trắc nghiệm
Thời gian làm bài: 180 phút (môn tự luận), 90 phút (môn trắc nghiệm).

Tôi có ý kiến
Nên bám sát cuộc sống

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi vẫn nên bám sát hiện thực xã hội vì đây là những điểm mạnh của việc đổi mới nhưng trong đợt 2 này, nhất là đối với các môn xã hội, cần có thêm những sự thay đổi khác.

Nên công bố những thay đổi cho thí sinh

Đề thi môn hóa đợt 1 không có 10 câu tự chọn so với các năm. Nếu được, Bộ GD-ĐT nên công bố trước đề điều này để TS đỡ bất ngờ. Vì ra đề như vậy rất có lợi cho TS, giúp TS đỡ rối hơn, không còn phải lấn cấn chọn phần nào như trước nữa.

Nguyễn Anh Thư
(Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM)

Bộ muốn nâng cao điểm đầu vào

Tôi nghĩ thật ra Bộ GD-ĐT muốn nâng điểm đầu vào lên mức chấp nhận được nên mới ra đề theo kiểu có khá nhiều câu dễ như năm nay. Nếu điểm đầu vào dưới 10 điểm (trung bình 3 điểm/môn vì còn tính điểm ưu tiên) thì khó chấp nhận quá. Dư luận sẽ bất bình vì HS quá yếu, sao lại đủ tiêu chuẩn học ĐH được? Phương cách tránh dư luận xã hội là cho đề dễ hơn nhưng cũng phải có câu khó để không ai trách cứ Bộ cả.

Văn Thanh (TP.Huế)

Không thống nhất

Thi cử thì không có phần riêng, chung nhưng trong đào tạo lại phân ra các ban A, B, C. Như vậy HS học ban nâng cao sẽ học những cái không có trong đề thi sao? Như vậy có lãng phí không? Không biết Bộ GD-DT có nghĩ đến vấn đề này?

Nguyễn Ánh (TP.HCM)

 
Sắp tới Bộ GD-ĐT có chủ trương có một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển vào CĐ, ĐH. Theo tôi đây là một quyết định hợp lý, đúng đắn nhưng Bộ có lường trước được rằng nếu đề thi vừa tầm cho HS làm bài để đủ điều kiện xét tốt nghiệp thì sẽ không phân loại được HS đủ năng lực vào CĐ, ĐH. Và ngược lại, nếu đề thi hướng đến mục đích xét tuyển vào CĐ, ĐH thì HS chỉ đủ trình độ để được xét tốt nghiệp sẽ ra sao? Lúc ấy cấu trúc câu hỏi của đề thi sẽ như thế nào cho hợp lý?

Trần Ngọc Tuấn
(Trường Lý Tự Trọng, TP.HCM)

Muốn thay đổi hay đổi mới những vấn đề có liên quan đến dạy và học, kiểm tra và thi... thì Bộ GD-ĐT nên có những văn bản chỉ đạo hoặc thông báo ngay từ đầu năm học để giáo viên và HS không phải lúng túng khi gặp phải.

Trần Hiền (An Giang)

Vũ Thơ (thực hiện)

>> 73 thí sinh vi phạm quy chế trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014
>> Ngày đầu thi tuyển sinh ĐH (đợt 1): Phải xuất sắc mới làm trọn vẹn đề thi
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Tỷ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi cao
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Giám sát chặt chẽ các thiết bị mang vào phòng thi
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ: Lúng túng xác định ưu tiên khu vực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.