Gặp tác giả bộ phim 'Hoàng Sa VN: Nỗi đau mất mát!'

06/07/2014 03:00 GMT+7

Vừa trở về VN (trở về là chữ dùng của André Menras Hồ Cương Quyết, người có 2 quốc tịch Pháp - Việt), ông đã dành riêng cho Thanh Niên một cuộc phỏng vấn về những dự định công việc và tiếp tục hành trình đấu tranh của ông cho chủ quyền VN trên biển Đông.

Chào ông, xin cho biết những cảm xúc của ông khi trở về VN lần này? Đặc biệt nhất đối với ông là điều gì?

 
Ông André Menras Hồ Cương Quyết - Ảnh: nhân vật cung cấp

Biển Đông. Đó là sự quan tâm đặc biệt của tôi lần này. Cảm xúc, dự định công việc của tôi cũng xoay quanh trục về những sự kiện xảy ra trong tháng 5 và tháng 6 này về chủ quyền biển đảo của VN, quê hương thứ hai của tôi. Tôi đang rất nóng lòng với những gì đang xảy ra trên vùng biển Đông của tổ quốc VN.

Được biết tại hội thảo quốc tế tại Đà Nẵng vừa qua với chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử, ông đã trình bày một tham luận rất phong phú về tư liệu lịch sử, rất đanh thép quan điểm về chủ quyền biển đảo Đông của VN. Ông có thể cho biết thêm về một số vấn đề khác mà ông đã từng dồn tâm sức nghiên cứu?

Tôi rất tâm đắc với chủ đề hội thảo quốc tế vừa qua. Đúng, Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử, và khẳng định điều này một cách rõ ràng. Sự thật lịch sử chỉ có một, không có hai, cho dù Trung Quốc (TQ) có đưa ra những bằng chứng mang tính chất ngụy biện, lấp liếm thì Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là của VN.

Tham luận của tôi dẫn chứng những tư liệu lịch sử khẳng định Hoàng Sa thuộc sở hữu và khai thác bởi người Việt từ thế kỷ thứ 17 và tiếp theo đó là nhiều bằng chứng tiếp tục khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa trong hơn 3 thế kỷ qua.

 

TQ đã nợ VN số tiền rất lớn cho những hành động phá hoại của họ đối với các gia đình quân nhân, gia đình ngư dân và nền kinh tế biển của VN... Những chuyện này, không chỉ là so sánh bằng tiền, mà bây giờ TQ lại âm mưu xâm chiếm biển đảo của VN, điều vô lý này được giải thích như thế nào đây?

Vậy mà, TQ đã làm những điều rất ngang ngược và rất vô nhân đạo với ngư dân VN. Theo thống kê của tôi từ các số liệu được công khai trên các kênh truyền thông trong nước, thì có khoảng 2.000 ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa của VN trở thành nạn nhân do bị tấn công bởi các tàu của TQ; 30 tàu cá của ngư dân bị tịch thu hoặc bị đâm chìm; khoảng 500 ngư dân bị bắt cóc tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và sau đó bị đòi tiền chuộc; mỗi tàu ngư dân bị bắt giữ và bị đòi tiền chuộc là từ 120 - 180 triệu đồng/chiếc.

Tôi xin dẫn một câu chuyện: Trong tháng 4.2014 vừa qua, Tòa án hàng hải ở Thượng Hải đã ra lệnh tịch thu một lô hàng Nhật Bản để đền bù cho một món nợ chiến tranh từ năm 1936 của Nhật đối với TQ. Đó là thời kỳ ấy, hải quân Nhật Bản đã tịch thu 2 chiếc tàu thủy của TQ, tổng số tiền Nhật phải đền bù cho TQ theo phán quyết của tòa là 30 triệu USD. Như vậy, nếu làm phép tính nhỏ cho hàng trăm vụ tàu TQ đâm chìm tàu cá VN ngay tại vùng biển chủ quyền của VN trong 40 năm qua, con số đó phải lên đến hàng chục tỉ USD. TQ đã nợ VN số tiền rất lớn cho những hành động phá hoại của họ đối với các gia đình quân nhân, gia đình ngư dân và nền kinh tế biển của VN... Những chuyện này, không chỉ là so sánh bằng tiền, mà bây giờ TQ lại âm mưu xâm chiếm biển đảo của VN, điều vô lý này được giải thích như thế nào đây?

Sau hội thảo, ông tiếp tục thực hiện những kế hoạch nào khác liên quan đến biển Đông của VN?

Mong muốn của tôi lần này là được đi Hoàng Sa, nơi vùng biển của VN mà giàn khoan Hải Dương-981 của TQ hạ đặt. Tôi muốn tận mắt chứng kiến điều này và sẽ làm một bộ phim, trong đó có tư liệu sống động về việc TQ ngang ngược đặt giàn khoan, gây hấn và truy cản các tàu thực thi pháp luật của VN. Tôi cũng ghi lại hình ảnh những tàu cá của ngư dân bị tàu TQ đâm chìm, nỗi đau của họ trong những chuyến ra khơi, đồng thời không thể không ghi lại chuyện ngư dân Việt vẫn kiên cường ra khơi bám biển, bất chấp sự uy hiếp, đe dọa và thậm chí có hành động như cướp biển của các tàu TQ. Bộ phim này, tôi tạm đặt là “Cậu bé, cụ già và các hòn đảo”.


Ông André Menras Hồ Cương Quyết đang trả lời phỏng vấn của báo chí về những vấn đề nóng bỏng ở biển Đông - Ảnh: Nhã Hoàng  

Ngoài việc rất quan trọng đó, tôi còn có rất nhiều việc khác phải làm. Đó là trao tiền hỗ trợ các ngư dân tại huyện Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), là những nhân vật rất sống động trong bộ phim Hoàng Sa VN: Nỗi đau mất mát của tôi. Số tiền này do tôi và các bạn tôi trong Hiệp hội Trao đổi sư phạm Pháp Việt (ADEP) vận động (ông André Menras là Chủ tịch hiệp hội này - PV); bàn việc xây dựng một ngôi nhà bán trú cho các cháu mẫu giáo ở Bình Châu để giúp con cháu các ngư dân có chỗ ăn nghỉ đàng hoàng, dự án này sẽ được phát triển thêm hằng năm như xây thêm thư viện, phòng vi tính có trang bị đầy đủ... Ngoài ra, chúng tôi (3 hiệp hội là những tổ chức phi chính phủ ở Pháp, gồm ADEP, Hội Hỗ trợ nhân dân Pháp - Secours populaire français (SPF) và AFEPS, một tổ chức chuyên về đào tạo thợ lặn sâu) sẽ tiến tới một kế hoạch cụ thể để đào tạo kỹ thuật lặn sâu an toàn cho ngư dân Lý Sơn, Nha Trang, Côn Đảo... Sở dĩ có chuyện này là vì theo khảo sát và tìm hiểu của tôi, rất nhiều ngư dân ở các địa phương nói trên, nhất là Lý Sơn thường bị tai nạn khi lặn tìm kiếm hải sản, khiến nhiều người bị chết do xuất huyết não hoặc nếu sống thì bại liệt, tình cảnh cuộc sống của họ sau đó rất đau lòng.

Trong chuyến đi này, tôi cũng sẽ trao học bổng cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên, học giỏi ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang. Đây là chương trình thường niên của ADEP diễn ra đã nhiều năm qua, và những suất học bổng này do ADEP tài trợ.

Với bộ phim Hoàng Sa VN: Nỗi đau mất mát (Thanh Niên đã thông tin rất chi tiết về bộ phim này trong năm 2011), ông đã có một sự đóng góp tâm huyết với ngư dân Việt và chủ quyền biển đảo của VN. Ông còn có yêu cầu gì về tác phẩm này?

Trong hai ngày diễn ra hội thảo tại Đà Nẵng vừa qua, bộ phim Hoàng Sa VN: Nỗi đau mất mát đã được chiếu tại Bảo tàng Hoàng Sa. Sự đón nhận của công chúng rất nồng nhiệt và đầy sự chia sẻ, cảm thông với thân phận của ngư dân miền Trung. Tôi muốn bộ phim được chiếu rộng rãi hơn, vì đó là tất cả tấm lòng của tôi với đất nước VN của tôi, từ lúc tôi còn trẻ cho đến tận bây giờ. Ngoài ra, nguyện vọng của tôi là được đi Hoàng Sa, ngay lúc này, để làm tiếp bộ phim mà tôi ấp ủ, như đã kể trên.

Xin cảm ơn ông! 

Khát khao ra Hoàng Sa

Ông chia sẻ: “Không phải lúc nào Hồ Cương Quyết cũng ở thế chủ động mà khá bị động. Chẳng hạn như trước khi về VN, tôi đã nhận được email thông báo từ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng rằng họ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi theo tàu cảnh sát biển ra Hoàng Sa. Thế nhưng, đã một tuần trôi qua ở VN, tôi vẫn chưa nhận được thông tin tích cực nào, sau khi họ yêu cầu nộp cho một... sơ yếu lý lịch. Trong khi thời gian và kế hoạch công việc của tôi đã được lập từ trước đó”. 

Trần Thanh Bình
(thực hiện)

>> Kêu gọi chung tay làm sách chủ quyền biển đảo
>> Chủ quyền biển đảo qua ống kính nhiếp ảnh
>> Triển lãm ảnh về chủ quyền biển đảo
>> Tiếng nói của họa sĩ về chủ quyền biển đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.