Nghịch lý tăng - giảm

02/07/2014 03:20 GMT+7

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm tăng rất thấp, cho thấy nỗ lực tháo tồn kho đã không thực sự hiệu quả. Đáng lo hơn là những nghịch lý phía sau chỉ số này còn thể hiện áp lực lên hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân vẫn ngày càng nặng hơn.

Bởi nhóm hàng có mức tăng cao hơn mức chung của rổ hàng hóa tính CPI trong 6 tháng đầu năm là dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng... Đây đều là các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, không thể cắt giảm, đồng nghĩa với chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN), chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình đã tăng lên. Trong khi 6 tháng qua là quãng thời gian các DN nỗ lực để tháo tồn kho thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá... Chi phí đầu vào tăng lên trong khi giá bán ra buộc phải hạ xuống, "gồng" được để tồn tại cũng là một thành tích đối với bất kỳ đơn vị nào. Với người dân, khi chi phí tăng lên thì tâm lý thắt lưng buộc bụng cũng được gia cố mạnh mẽ. Điều đó lý giải vì sao sức mua vẫn hết sức ì ạch. Có một điều cần phải nói thêm, nhóm sản phẩm, dịch vụ tăng giá nói trên đều thuộc nhà nước quản lý. Vậy thay vì đưa ra các giải pháp kích cầu thiếu hiệu quả, nên chăng ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp, từ đó giảm giá thành, tăng sức mua?

Đáng lo hơn là CPI tăng thấp nhưng giá cả của rất nhiều hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm trên thực tế không giảm. Còn nhớ cách đây vài tháng, khi dưa hấu ở ruộng người dân bán ra chỉ 500 đồng/kg, thậm chí phải đổ cho bò ăn, thì ở các thành phố lớn người ta vẫn phải mua với giá 12.000 - 20.000 đồng/kg. Suốt mấy tháng đầu năm nay, người nuôi gia cầm thua lỗ vì giá thịt, giá trứng bán rẻ hơn giá thành tới 30 - 40% nhưng ngoài chợ lẻ giá vẫn giữ ở mức cao. Tình trạng "rẻ ở ruộng, đắt ngoài chợ" đã và đang xảy ra với hầu hết các loại thực phẩm, nông sản sử dụng trong bữa ăn của mỗi gia đình. Người dân ở các thành phố vẫn hằng ngày đọc những câu chuyện đắng lòng về vải, thanh long, thơm, lúa gạo... được mùa rớt giá. Nhưng họ hầu như không bao giờ có thể mua được các sản phẩm này với giá rẻ hơn chứ đừng nói đến giá rớt. Hiện để "cứu" vải, chúng ta đang trông cậy vào thị trường nội địa, trong đó đẩy mạnh đưa loại trái cây này vào TP.HCM và các tỉnh Nam bộ. Thông tin mới nhất cho biết, nông dân trồng dứa ở Tiền Giang đang điêu đứng khi giá dứa chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg; giá thanh long cũng chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg vì Trung Quốc ngưng mua... Nhưng thị trường nội địa có thể cứu được người trồng dứa, thanh long hay không khi ở thành phố, họ vẫn phải mua thơm, thanh long với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg? Nếu không giải quyết được khâu phân phối để hạn chế tình trạng "ế đồng đắt chợ" thì rất khó chờ đợi thị trường nội địa như một cứu cánh như chúng ta đang kỳ vọng.  

CPI giảm nhưng sức khỏe doanh nghiệp vẫn tiếp tục sa sút; tồn kho giảm nhưng không phải vì sức mua tăng mà do nhiều công ty đã ngưng sản xuất... Con số chưa phản ánh đúng thực trạng nên nếu giải pháp chỉ dựa vào các con số thì những nút thắt trong nền kinh tế hiện nay khó mà tháo được.

Nguyên Khanh

>> CPI tháng 6 tăng 0,3% so tháng 5
>> CPI tháng 6 của TP.HCM tăng cao hơn Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.