Kỳ bí Amazon: Nghệ nhân của rừng xanh

02/07/2014 03:00 GMT+7

Chàng thổ dân bận chiếc khố bằng lá cây, mình trần cháy nắng, khẽ khàng bước sâu vào bụi rậm để tiến lại gần con mồi. Trên tàng cây cao, những con chim vẫn đang véo von. Anh dừng lại, nhẹ nhàng rút mũi tên từ trong túi nhỏ đeo bên người cẩn thận đặt vào cái ống dài, đưa lên miệng nhắm vào con chim gần nhất rồi… thổi mạnh. “Phụp”, một tiếng gọn nhẹ vang lên và con chim rơi xuống.

>> Kỳ bí Amazon : Thành phố giữa rừng già

 Kỳ bí Amazon: Nghệ nhân của rừng xanh
Người Bora sống chung trong một cái lều cực lớn (gọi là maloca) - Ảnh: N.T 

Miền Tây Nam bộ ở... Nam Mỹ

Đó là đoạn phim tôi yêu thích trên kênh Discovery về một buổi đi săn của thổ dân Amazon. Tuy nhiên, lần này xem lại, tôi không ngủ được. Trằn trọc, hồi hộp, háo hức. Cũng phải thôi, vì ngay sáng mai, tôi sẽ trực tiếp gặp những thổ dân Amazon bằng xương bằng thịt.

Trời vừa tờ mờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại điểm hẹn. Cùng đi với tôi là một nhóm người Anh, Pháp, Đức. Họ cũng tò mò muốn tìm hiểu về thổ dân Amazon. “Cần mang theo những gì để vào gặp thổ dân Bora và Yagua?”, tôi hỏi. Câu trả lời của anh hướng dẫn viên làm tôi hơi ngạc nhiên: “Một chai nước và tiền (dĩ nhiên). Đó là tất cả những gì anh cần mang theo”. Gặp thổ dân vùng Amazon dễ dàng đến thế sao? Tôi lên đường với chút “gờn gợn” trong lòng.

Từ trung tâm Iquitos (Peru), tôi bắt “xe lôi” (moto-kar) giá 2 soles (khoảng 14.000 đồng) ra bến sông. Khác với tưởng tượng về con sông Amazon dài thứ nhì thế giới (6.437 km), khúc sông Amazon tại Iquitos hiền lành và đỏ quạch phù sa như con sông ở miền Tây Nam bộ. “Đừng tưởng lầm! Amazon có khoảng 10.000 con sông lớn, nhỏ. Đây chỉ là một khúc bé tí. Xuôi theo dòng ra cửa sông, có khúc rộng đến… 325 km, trông như biển đấy”, người dẫn đường giải thích.

Vùng này giống một khu chợ nổi ở miền Tây Nam bộ như đúc. Người dân cũng thấp, đen;  cũng vỏ lãi, ghe chở trái cây, nông sản từ những vùng lân cận đổ về mua bán, trao đổi; cũng xô bồ, nhộn nhịp… Nếu không biết trước, chẳng bao giờ tôi nghĩ mình đang ở một đất nước Nam Mỹ xa xôi, cách VN cả nửa vòng trái đất.

Chiếc xuồng máy lạch xạch rời bến. Non một tiếng đồng hồ đã thấy anh hướng dẫn chỉ tay vào đám người đang đứng lố nhố tại cánh rừng ven sông cách đó không xa: “Thổ dân Bora đấy!”.  

 

Người Bora gốc ở Colombia, trước đây có khoảng 15.000 người sống nửa du canh du cư. Đầu thế kỷ 20, khi chiến dịch khai thác cao su nổ ra tại đây, người Bora bị bắt làm nô lệ. Họ bị ép vào tận rừng sâu để khai thác cao su. Người Bora hiện còn khoảng 3.000 người sống chủ yếu ở Peru và Colombia (một số ít sống ở Brazil). Họ sống chung trong một cái lều cực lớn (gọi là maloca), từng gia đình sẽ chia ra mỗi khoảnh nhỏ (gọi là curaca).

Thổ dân Bora

Quả không hổ danh là những nghệ nhân đầy tài năng của rừng xanh vốn nổi tiếng trong việc làm mặt nạ, súng thổi tên, đồ trang sức cùng nghệ thuật trang điểm độc đáo…, người Bora ở đây để ngực trần (kể cả nữ), đeo trên cổ những chuỗi hạt trái cây đủ màu đặc trưng của vùng Amazon, đội mũ gắn lông đuôi vẹt dài thượt, mặc váy được đan từ vỏ cây vả, cây sung, chân đeo vòng bằng vỏ ốc, đeo trên mình những chiếc giỏ xinh xắn được đan từ lá cọ…

Vài thổ dân rất tự nhiên, không cần hỏi trước, dùng bàn tay đầy màu của mình… quẹt lên mặt chúng tôi. “Đừng sợ, những hình vẽ này sẽ giúp chúng ta tránh được rắn rít, thú dữ trong rừng đấy”, người hướng dẫn nói. Thì ra, đối với người Bora, thế giới tâm linh vẫn sống chung quanh thế giới thực của con người. Họ tin vào năng lực siêu nhiên sẽ sắp đặt thế giới và giải quyết mọi vấn đề theo cách tốt nhất. Những hình vẽ trên mặt, trên người họ biểu lộ niềm tin đó. Tùy vào địa vị của họ trong bộ lạc mà hình vẽ sẽ khác nhau.

Mỗi người bỏ 20 soles (khoảng 140.000 đồng), gọi là “phí thăm bộ lạc”. Vẫn biết là ai cũng cần tiền để sống nhưng tự nhiên cảm thấy “lượng sượng”. “Mình sẽ tìm hiểu được gì thú vị ở đây?”, tôi thầm nghĩ.

Tuy nhiên, tôi cũng chẳng có thời gian “tâm tư” nhiều vì lập tức những người Bora đã lôi tuột chúng tôi vào vòng tròn cùng tham gia nhảy múa. Họ đồng loạt đi vòng quanh, dộng gậy xuống sàn đất, nam đánh trống, nữ múa và tất cả cùng hát. Tiếng gậy nhịp nhàng theo tiếng hát của những cô gái Bora ngực trần.

Bộ lạc người Bora chia làm nhiều họ. Mỗi họ sẽ có một con thú làm biểu trưng và thường nhảy múa để tưởng nhớ đến linh vật của họ. Hôm đó, họ nhảy những điệu múa để tỏ lòng tôn kính đến Sacha Vaca (một loài heo vòi chỉ có ở rừng Amazon), rồi chuyển sang điệu nhảy để tỏ lòng tôn kính con Manguare (một loài tương tự con diệc, bồ nông)… “Trong những buổi lễ hội, người Bora có thể nhảy múa như thế cả đêm”, người hướng dẫn giải thích.

Sau điệu nhảy, phụ nữ bỗng bao vây du khách và… chào bán đồ lưu niệm. Nói cho công bằng, những con búp bê, chiếc túi xách đan từ lá cọ kia thật sự là những tác phẩm nghệ thuật rất xinh xắn. Và quả thật, nếu muốn có hình ảnh “ấn tượng” về thổ dân vẽ rằn ri trên người, bận trang phục lạ lẫm, “bắt mắt” thì đây chính là cơ hội tuyệt vời. Nhưng đó không phải là thứ tôi vượt hàng ngàn cây số để tìm kiếm. Thổ dân Bora chỉ vậy thôi sao? Tôi lịch sự từ chối, lẳng lặng chuồn ra khỏi đám đông nhốn nháo đó.

Nguyễn Tập

>> Kỳ bí Amazon : Thành phố giữa rừng già
>> Từ chối bò nuôi trong rừng Amazon
 >> Gia tăng nạn phá rừng Amazon 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.