Khó khởi tố nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em

01/07/2014 19:38 GMT+7

(TNO) Đó là phản ánh của một số đại diện cơ quan chức năng tại hội thảo “Phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em”, do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children) phối hợp với UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) thực hiện vào ngày 1.7.

(TNO) Đó là phản ánh của một số đại diện cơ quan chức năng tại hội thảo “Phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em”, do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children) phối hợp với UBND quận Gò Vấp (TP.HCM) thực hiện vào ngày 1.7.

Khó khởi tố nhiều vụ xâm hại trẻ em
Học sinh tham gia thảo luận trong hội thảo “Phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em” - Ảnh: Như Lịch

Tại hội thảo, ông Trà Văn Lào, Trưởng Công an quận Gò Vấp cho biết: Từ ngày 16.11.2012 đến ngày 15.5.2014, Công an quận phát hiện, lập hồ sơ xử lý khởi tố 5 vụ xâm hại sức khỏe của trẻ em. Trong đó có 1 vụ hiếp dâm, 2 vụ giao cấu và 2 vụ dâm ô trẻ em.

Theo ông Lào, có nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em khó đưa ra khởi tố do không đủ cơ sở pháp lý. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như: người nhà trẻ bị hại không chịu đưa trẻ đi giám định pháp y, không khai báo hoặc chậm khai báo vụ việc, không biết cách thu giữ vật chứng để giao nộp cơ quan chức năng…

Trưởng Công an quận Gò Vấp nêu thực tế: “Trong nhiều vụ án, tại cơ quan điều tra và trong hồ sơ vụ án thể hiện quan điểm rõ ràng và khẳng định hành vi của đối tượng đã bạo hành, xâm hại sức khỏe đối với nạn nhân. Thế nhưng, do trong quá trình điều tra, giữa gia đình đối tượng và gia đình người bị hại đã thỏa thuận, thống nhất với nhau, thậm chí do sự tác động nên người bị hại lại thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó và bảo vệ đối tượng… nên gây nhiều khó khăn trong quá trình xác minh xử lý”.

 
Khi xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, có thể liên hệ các số điện thoại để được trợ giúp: (08)38202965 - 38225842 (Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM); (08)38215878 (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM); đường dây nóng: 18001567.

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm do Bộ Công an công bố vào ngày 17.6 qua, trong 3 năm (2011-2013), công an trong cả nước phát hiện 4.723 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 3.347 vụ.

Cũng theo ông Tính, TP.HCM xảy ra 344 vụ trẻ em bị xâm hại, với 421 đối tượng tham gia (từ ngày 1.12.2010 - 15.11.2013).

“Hầu hết các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra tại TP.HCM chủ yếu do người dân phát hiện, tố cáo; chứ không phải do đội ngũ cộng tác viên dân số và trẻ em ở tại địa bàn. Điều này cho thấy đội ngũ cộng tác viên này đã không làm hết trách nhiệm của mình”, ông Nguyễn Văn Tính thẳng thắn nhìn nhận.

Được biết, hội thảo trên nằm trong khuôn khổ dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”, do Tổ chức Cứu trợ trẻ em phối hợp với UBND quận Gò Vấp và huyện Củ Chi triển khai từ ngày 1.12.2013 đến 31.1.2016.

Trong phần chia nhóm thảo luận, đại diện học sinh 4 trường tiểu học và 4 trường THCS trên địa bàn quận Gò Vấp đã chỉ ra những hình thức xâm hại và bạo hành trẻ em phổ biến hiện nay, đó là: bị xâm hại tình dục, lăng nhục, xúc phạm nhân phẩm, chửi mắng (ở ngoài xã hội); bố mẹ thường chửi rủa, đối xử tệ, bắt nhịn ăn, đánh đập trẻ, hành xử thô bạo, trục lợi (gia đình); bị bạn bè hiếp đáp, trấn lột, thầy cô dùng cây đánh học sinh, bị phân biệt đối xử, cô lập, bị gây áp lực tổn thương tinh thần (nhà trường)…

 Như Lịch

>> Nhiều vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em ở quận 9, TP.HCM
>> Cùng dâm ô trẻ em: Nam phạt tù, nữ phạt 1,5 triệu đồng
>> Khởi tố “dê cụ” 77 tuổi về hành vi dâm ô trẻ em
>> Vừa ra tù lại dâm ô trẻ em
>> Campuchia: Tự tử sau khi bị bắt vì dâm ô trẻ em
>> Bắt gã biến thái dâm ô trẻ em  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.