'Chân đất' mê cổ vật

30/06/2014 09:04 GMT+7

Không phải nhà nghiên cứu văn hóa, lại càng không phải là một đại gia, ông Hồ Văn Nhật (57 tuổi, ở đường Phan Đình Phùng, TP.Kon Tum) chỉ là một nông dân, vì mê đồ cổ từ nhỏ nên cất công sưu tầm để… ngắm chơi.

Không phải nhà nghiên cứu văn hóa, lại càng không phải là một đại gia, ông Hồ Văn Nhật (57 tuổi, ở đường Phan Đình Phùng, TP.Kon Tum) chỉ là một nông dân, vì mê đồ cổ từ nhỏ nên cất công sưu tầm để… ngắm chơi.

 Chiếc lư trầm cổ đính 6 con tỳ hưu
Chiếc lư trầm cổ đính 6 con tỳ hưu - Ảnh: Phạm Anh


 
Góp lương mua đồ cổ

“Tuổi này, tôi vẫn chưa thể sửa lại ngôi nhà ở cho đàng hoàng bởi cái thú đam mê sưu tầm đồ cổ đã ngấm vào máu thịt từ 30 năm nay”, ông Nhật thổ lộ. Và, cũng vì mê quá, “chân đất” này ngược xuôi từ miền Bắc ra miền Trung, Tây nguyên và vào tận miền Nam để ngắm và mua cho bằng được đồ cổ “nghe đồn hay lắm”. “Biết là làm khổ vợ, khổ con, nhưng nghe mà không đến “rờ” cho được thì thấy lòng… không thể ngủ được”, ông Nhật nói.
 
Mân mê trên tay con tỳ hưu bằng đồng quí giá, ông Nhật kể, quê ông ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có một ngôi đền mà ngày nào cha ông cũng đến lau dọn vệ sinh tại đây. Theo cha ngắm các bức tượng cổ, tượng Phật tại ngôi đền này, cậu bé Nhật ngày đó cứ ước sau này mình cũng có riêng nhữngtượng cổ để ngắm cho đã.
 
Giấc mơ của cậu bé ngày ấy rồi thành hiện thực. Năm 1977,ông Nhật vào định cư trên đất Kon Tum. Đến năm 1979, ôngNhật mua được tượng cổ đầu tiên: Tượng Lã Vọng ngồi câu cá cao 5 cm, nhưng mất đứt tháng lương công nhân thời đó. “Cầm cổ vật trên tay của riêng mình, nó… sướng lắm”, ông Nhật nói, hai tay xoa vào nhau như cái lần đầu được cầm bức tượng ấy.
 
Thế rồi, từ một món cổ vật, ông Nhật nung nấu mua cho được món thứ hai. Rồi món thứ ba, thứ tư và bây giờ là hàng trăm món cổ vật có trong tay. Ông Nhật cho biết: “Để dễ tiếp cận đồ cổ, năm 1988 tui nghỉ làm công nhân, chuyển qua mua bán đồ phế liệu. Người ta mua đồ cổ loanh quanh trong huyện, trong tỉnh, còn tui đi Quảng Ngãi, Bình Định, ngược ra Huế, rồi vào tận Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh… Có hồi “đi buôn” mất cả vốn, hổng có tiền xe về.”
 
100 cổ vật quý

Cứ khoái là mua, là sưu tầm về. Thế nhưng ông Nhật bảo phải có duyên mới mua được cổ vật quí. Chẳng hạn như ông sưu tầm được một chiếc lư trầm bằng đồng có tượng hình 6 con tỳ hưu. Chiếc lưu trầm này ai trả giá bao nhiêu ông Nhật cũng chỉ cho ngắm chứ nhất định không chịu bán. Ngoài con tỳ hưu này, cách đây 15 năm, ông Nhật còn mua được một con tỳ hưu triều Nguyễn với 4 chỉ vàng. Nay, giới mua đồ cổ trả giá 70-80 triệu đồng, nhưng ông dứt khoát lắc đầu

 Cổ vật
Ông Nhật giới thiệu vài món đồ cổ - Ảnh: Phạm Anh


 
Ông Nhật chia sẻ, vì sưu tầm theo lối đam mê tự nhiên nên có nhiều món đồ cổ mua về để trưng bày, ngắm nhìn vẻ đẹp chứ ông cũng không có điều kiện nghiên cứu, xem xét về xuất xứ, niên đại để có thể đánh giá về giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Trong số những cổ vật ông Nhật sưu tầm được, có nhiều cổ vật quí xuất xứ từ thế kỷ 15-17. Điển hình như bức tượng Phật Bà Quan m ngồi trên đài sen với những nét đúc bằng đồng trông rất thật, được nhiều người trong giới sưu tầm đồ cổ phỏng đoán bức tượng xuất hiện từ thời nhà Trần.
 
Hoặc các món đồ cổ ông Nhật kỳ công sưu tầm từ vật dụng của các vua chúa trong các triều đại phong kiến Việt Nam đến những cổ vật dân gian như: lục lạc, tiền cổ, bình cắm hoa, nồi đồng, tượng các vị thần, thiếu nữ Chăm và văn hóa Tây nguyên như: bộ chiêng tha cổ quý hiếm của dân tộc Brâu, bộ nồi đồng (cả hàng chục chiếc) với đủ kích cỡ, những chiếc vòng cổ, khuyên tai của đồng bào Tây nguyên, bộ áo giáp của các chiến binh Tây nguyên…
 
Điều đáng nói là, đồ cổ của ông Nhật có nhiều người đến xem rồi năn nỉ mua, có cả du khách nước ngoài, nhưng ông không bao giờ bán. “Mỗi món đồ là một bảo vật, nếu rứt ruột bán đi thì tiếc lắm”, ông Nhật nói.

Phạm Anh

>> Phát hiện nhiều mảnh vỡ cổ vật ở vùng biển Quảng Ngãi
>> Ly kỳ cuộc vận động đưa cổ vật hoàng cung triều Nguyễn về Việt Nam
>> Giao hàng nghìn cổ vật từ tàu đắm Cù Lao Chàm để trưng bày
>> Phân chia cổ vật từ tàu đắm
>> Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa
>> Mở đường, phát hiện nhiều cổ vật 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.