Cậy nước lớn, hà hiếp láng giềng!

28/06/2014 16:44 GMT+7

Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam hôm mới đây thực chất là nằm trong kế hoạch của 2 nước đã ấn định từ trước, đó là để kiểm điểm những chương trình hợp tác của Ủy ban Hợp tác song phương Việt - Trung sau mỗi năm. Song, thế giới và đặc biệt là người Việt Nam ta thì cũng nghĩ sẽ có một chút kỳ vọng vào một động thái tích cực, một thông điệp nào đó từ phía Trung Quốc sau một tháng biến động ngoài biển Đông dịu đi?

Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam hôm mới đây thực chất là nằm trong kế hoạch của 2 nước đã ấn định từ trước, đó là để kiểm điểm những chương trình hợp tác của Ủy ban Hợp tác song phương Việt - Trung sau mỗi năm.

>> Hướng về biển Đông
>> Bạn đọc tiếp tục 'Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông
>> Báo Pháp chỉ trích hành động của Trung Quốc ở biển Đông
>> Hội Luật gia phản đối Trung Quốc tiếp tục leo thang ở biển Đông
>> Thủ tướng Singapore: Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh trên biển Đông

Song, thế giới và đặc biệt là người Việt Nam ta thì cũng nghĩ sẽ có một chút kỳ vọng vào một động thái tích cực, một thông điệp nào đó từ phía Trung Quốc sau một tháng biến động ngoài biển Đông dịu đi?

Tiếc thay, tất cả chỉ là sự kỳ vọng tới mức... thất vọng!

Theo Tân Hoa xã, nếu đúng như họ đưa tin sau đó thì Trung Quốc cũng đã có "thông điệp" gửi tới Việt Nam bằng một lối trịch thượng, thậm chí là lố bịch quá mức. Nó thức tỉnh cho cả thế giới nghiệm ra rằng, tư tưởng Đại Bá quyền nước lớn của Trung Quốc chưa bao giờ được họ điều chỉnh, được tự soi lại mình.

Được biết, cái nội dung trịch thượng mà Trung Quốc đưa ra gồm có 4 điều "KHÔNG ĐƯỢC" đến là chối tai, nó gồm:

1. Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (biển Đông).

2. Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (cách Trung Quốc gọi về Hoàng Sa, Trường Sa).

3. Không được lôi kéo các nước khác can dự vào vùng biển Nam Hải.

4. Không được phá bỏ mối quan hệ Việt - Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Theo tôi: Điều thứ nhất, đó là họ đang muốn "dằn mặt" chúng ta trên bình diện quân sự, là ỷ thế "trên cơ" của họ nếu so sánh về tương quan lực lượng. Điều thứ hai, họ muốn cảnh báo chúng ta, đừng có tưởng cứ lấy tư liệu lịch sử hy vọng là đầy đủ hơn họ mà họ lại chịu thua ta, bởi họ đâu có ngán gì việc Toà án Quốc tế phán xét? Điều thứ ba, đừng tưởng cứ lôi kéo được nhiều đồng minh vào là lấy số đông mà áp đảo được cường quốc Trung Hoa vĩ đại! Và điều thứ tư thì thật hài hước và khó hiểu khi họ vẫn cố níu kéo cái thứ gọi là hữu nghị "20 năm bình thường hoá quan hệ" gần đây, một thứ "hữu nghị viển vông" mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ rõ ràng, chúng ta đâu có thể dễ dàng "đánh đổi" nó?

Sự thiếu thiện chí của Trung Quốc còn thể hiện quá rõ ở chỗ, trong khi ông Dương Khiết Trì vẫn hiện diện ở Việt Nam để tham dự cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung và trao đổi, xử lý vấn đề đang nổi cộm ngoài biển Đông thì Trung Quốc tiếp tục di chuyển thêm một giàn khoan nữa tới đây và vẫn hung hăng đâm va, truy cản các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và, tiếp đến mấy ngày gần đây, Trung Quốc ngang nhiên công bố bản đồ mới, nó không phải chỉ có 9 đoạn như cũ mà đã là 10 đoạn "ngoạm" cả biển Đông. Bên cạnh đó thì cấp tập xây đảo nhân tạo khu vực Hoàng Sa rồi đưa tàu tuần tra ngang nhiên lên hẳn một số đảo để đo đạc...

Cậy nước lớn, hà hiếp láng giềng!
Ông Lei Yixun, Giám đốc Nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam, giới thiệu bản đồ dọc mới của Trung Quốc, "ngoạm" cả biển Đông - Ảnh: Tân Hoa xã

Thật ghê sợ khi tư tưởng "Đại bá quyền nước lớn" của Trung Quốc bộc lộ trắng trợn và trịch thượng bằng cái lối "mệnh lệnh" như thế. Song, có khi đó cũng là điều may cho chúng ta khi chân tướng của ông bạn láng giềng "Bốn tốt" và "Mười sáu chữ" đã sớm lộ rõ. Nếu không, thật tai hại cho chiến lược phát triển đất nước, nay rất cần biết phải chọn bạn mà chơi trong vài chục năm trước mắt cũng như suốt cả chặng đường dài hơi hơn sau này cho dù, để vượt qua thử thách này thật đầy cam go. Một khi chúng ta được "thoát" sớm khỏi "vòng Kim cô" của ai đó, âu lại là điềm mừng cho dân tộc.

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi ông phát biểu nhân chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây rằng: Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nên được giải quyết bằng Luật Quốc tế chứ không phải theo quan điểm sai lệch là "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh". Và thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam khởi kiện và giành được một cái gì đó chính là thời điểm hiện tại, khi mà không khí chính trị của cả thế giới đều đang hướng về biển Đông của chúng ta. Tất cả, mọi thứ đều đang đứng về phía chúng ta, lẽ phải cũng đang thuộc về chúng ta, dù Trung Quốc có cố tình cho Thế giới thấy rằng, họ đang là ai thì cũng chỉ là ỷ thế nước lớn hà hiếp nước nhỏ, hơn nữa, lại là "láng giềng tốt" - như họ nói mà thôi.

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.