‘Kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc’

27/06/2014 16:10 GMT+7

(TNO) Bên lề hội thảo thu hút đầu tư công nghệ cao vào TP.HCM diễn ra ngày 27.6, trao đổi với PV Thanh Niên Online, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định xét về tổng thể kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào Trung Quốc.


Bộ trưởng Nguyễn Quân - Ảnh: Trung Hiếu

“Chúng ta không thể làm trái với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng sẽ có những biện pháp để hạn chế việc thắng thầu của doanh nghiệp một số nước mà chúng ta không mong muốn”, ông Quân nói.

Chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu

* Hiện kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp trong nước ít nhiều phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều nguồn nguyên liệu như may mặc, da giày đang phải nhập khầu từ Trung Quốc. Vậy trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hay công nghệ cao, Việt Nam có phụ thuộc vào Trung Quốc hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Quân: Hiện Việt Nam nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu là nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc hay nhập lậu khiến nguyên liệu của các nước khác cạnh tranh không lại. Về mặt chất lượng, nguyên liệu của Trung Quốc không phải là tốt.

 
Trung Quốc thắng thầu rất nhiều công trình giao thông ở Việt Nam. Trong ảnh là dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, một dự án mà Trung Quốc thắng nhiều gói thầu - Ảnh: Ngọc Thắng

Một điểm đáng lưu ý là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam không đáng kể nên Việt Nam cũng không phụ thuộc lắm vào sản xuất liên quan đến Trung Quốc. Tuy vậy điều đáng lưu tâm là Trung Quốc thường trúng thầu đối với những công trình mà Việt Nam sử dụng vốn nước ngoài, tiêu biểu là các công trình đường cao tốc.

Về tổng thể, tôi xin khẳng định hiện kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc không có đầu tư nào đến dự án công nghệ cao ở Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực công nghệ cao gần như không có doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Tìm cách hạn chế Trung Quốc thắng thầu

* Nhân chuyện ông nói doanh nghiệp Trung Quốc thường thắng thầu ở Việt Nam, tôi thấy một thực trạng là dù qua đấu thầu nhưng doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng thầu. Về lâu dài chúng ta có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này không, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước không tốt đẹp?

- Thực ra ta có thể dùng luật để điều chỉnh. Nhưng có cái kẹt là Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của WTO nên chúng ta không thể đặt riêng luật để cản trở bất cứ thành viên nào của WTO. Bởi đây là sân chơi bình đẳng của tất cả các quốc gia và các quốc gia đều có quyền, nghĩa vụ như nhau. Cho nên chúng ta chỉ có thể công bố một luật chơi chung.

Còn việc hạn chế một nước nào đó cần phải dùng hàng rào kỹ thuật. Đó là khi mình đặt ra một đề bài cho hồ sơ thầu để khi nhìn vào đó là chung nhưng chỉ có một số nước đáp ứng được, còn các nước khác không đáp ứng được. Việc lập hàng rào kỹ thuật này nhiều nước đều làm và Việt Nam có thể áp dụng để hạn chế doanh nghiệp của những nước chúng ta không mong muốn. Chứ còn ghi vào hồ sơ thầu là doanh nghiệp Trung Quốc, công nghiệp Trung Quốc không được nghĩa là mình đang vi phạm WTO.

Hỗ trợ ngư dân

* Vừa rồi tôi có ra Hoàng Sa, ở gần khu vực Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam. Tàu chúng ta có tiếp cận với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ở đây. Có một thực tế là tàu cá của ngư dân Việt Nam quá nhỏ bé so với tàu cá Trung Quốc. Tôi cũng được biết vừa qua Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển trong đó chú trọng phát triển đội tàu nhưng chưa thể sánh bằng Trung Quốc. Với vai trò là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, ông đánh giá việc này như thế nào?

 
Tàu cá của ngư dân Việt Nam đang bám biển ở Hoàng Sa - Ảnh: Trung Hiếu


Tàu cá Trung Quốc luôn uy hiếp tàu cá Việt Nam đang đánh bắt ở Hoàng Sa - Ảnh: Trung Hiếu

- Hiện Chính phủ đang dành nhiều nguồn lực đủ lớn đề đầu tư cho đánh bắt xa bờ, từ đó kết hợp với làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Suy cho cùng thì tàu cá của ta không thể so sánh với tàu cá Trung Quốc. Thế nhưng, chúng ta sẽ làm hết sức mà mình có thể. Ngoài ra, Việt Nam sẽ dựa vào luật pháp, quy định quốc tế để đấu tranh. Chứ mình nhiều tàu hơn Trung Quốc chưa chắc đã thắng bởi đây không chỉ là cuộc chiến bằng sức mạnh mà là cuộc chiến trên nhiều phương diện, trong đó chúng ta phải làm cho thế giới thấy những hành động sai trái của Trung Quốc.

* Cảm ơn Bộ trưởng!

Trung Hiếu
(thực hiện)

>> WB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2014 tăng trưởng 5,5%
>> Nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc
>> Hỗ trợ ngư dân giữ chủ quyền biển đảo
>> Doanh nghiệp hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ sắt
>> Cần những đội tàu lớn hỗ trợ ngư dân
>> Trung Quốc điều thêm gần 20 tàu bảo vệ giàn khoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.