Trộm chó lộng hành vùng ven - Kỳ 2: Tấn công cả công an xã!

24/06/2014 09:00 GMT+7

Hoạt động cả ban ngày, sử dụng xe phân khối lớn, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ... chứng tỏ sự manh động ngày càng cao của bọn trộm chó.

Trộm chó lộng hành vùng ven - Kỳ 2: Tấn công cả công an xã !
Chốt barie do Công an xã Tân Thạnh Đông lập để mai phục bắt kẻ trộm chó - Ảnh: Hoài Nam

>> Trộm chó lộng hành vùng ven

Trao đổi với PV Thanh Niên, trung tá Phan Văn Triết, Trưởng công an xã Tân Thạnh Đông (H.Củ Chi), rất bức xúc về nạn trộm chó ở địa phương. Theo trung tá Triết, trước kia chỉ ban đêm bọn trộm chó mới hoạt động, còn bây giờ ban ngày cũng hoạt động. Vì vậy, công an xã bố trí lực lượng đi tuần cả ban ngày để truy bắt, nhưng rất khó khăn vì bọn trộm luôn manh động, dùng xe phân khối lớn chạy với tốc độ cao, sẵn sàng chống lại để tẩu thoát. Để ngăn chặn tệ nạn này, công an xã đề xuất ủy ban lập 3 chốt có barie, cử người trực, khi phát hiện bọn trộm thì lập tức hạ barie xuống. 

“Có những lần bọn trộm dùng ná cao su bắn bi sắt để cản công an viên ở chốt ra hạ barie. Rất may công an viên lúc đó đội mũ bảo hiểm nên không bị thương tích gì”, trung tá Triết kể.

Cũng theo trung tá Triết, việc xử lý hình sự những tên trộm chó rất khó khăn. Cụ thể, năm 2013 trong quá trình tuần tra, công an xã bắt 6 nghi can với tang vật là 8 con chó, nhưng sau đó chỉ phạt hành chính vì không tìm được chủ tang vật và tang vật là những con chó trộm cắp chưa tới 2 triệu đồng.

“Hầu như người dân bị mất đều không báo công an xã. Gần đây, công an xã thường xuyên mở lớp tập huấn an ninh cơ sở. Qua đó người dân sẽ hiểu biết hơn để phòng chống không chỉ trộm chó mà còn các loại tội phạm khác…”, trung tá Triết cho biết.

Trong khi đó, trung tá Tăng Văn Liệt, Đội trưởng Đội CSHS Công an Q.12, cho rằng nếu dùng hung khí tấn công người dân để cướp chó thì đủ cơ sở xử lý hình sự về hành vi “cướp tài sản”.

Đồng quan điểm, đội trưởng điều tra tổng hợp công an một quận ngoại thành TP.HCM cũng khẳng định nếu cơ quan điều tra cương quyết, làm quyết liệt sẽ xử lý được những nghi can trộm chó và cả người tiêu thụ.

“Hiện nay, hầu như các nghi can trộm chó đều dùng súng bắn điện làm cho chó chết ngay tại chỗ, hoặc đánh thuốc, sau đó xuống xe để nhặt chó lên, nên người dân dễ phát hiện, truy đuổi. Lúc này các nghi can sẽ tấn công lại để cướp bằng được chó. Như vậy, xử lý hình sự các nghi can này về hành vi  “cướp tài sản” là có cơ sở. Còn nếu cướp chó lúc người dân đang dắt thì xử lý về hành vi “cướp giật tài sản”. Riêng những lò mổ chó lậu khi bị triệu tập luôn miệng khai “không biết chó đó là chó đi ăn trộm”, nhưng nếu điều tra viên làm rõ các yếu tố như giá rẻ bất ngờ, mua bán vào ban đêm, mua bán nhiều lần và những vết thương trên thân thể con chó thì đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự”, vị đội trưởng này phân tích.

Tất cả các lò giết mổ chó đều không phép

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM khẳng định: “Hiện nay, tất cả các hoạt động giết mổ chó đều không phép, vì vậy chính quyền địa phương, quận, huyện, phường, xã là cơ quan quản lý việc này. Cơ quan thú y chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, tuy nhiên cái vướng hiện nay là không có một quy trình, một thông tư hướng dẫn nào từ cơ quan quản lý trung ương đối với các lò giết mổ chó. Trước đây, Chi cục Thú y TP.HCM từng kiến nghị đưa vào quản lý hoạt động này, nhưng Nghị định số 05/2007/NĐ của Chính phủ ngày 9.1.2007 về quản lý đàn chó và Thông tư số 48/2009 của Liên bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT cũng không đề cập đến việc xử lý các lò giết mổ chó. Theo tôi, việc các lò giết mổ chó đang tồn tại hiện nay là nguy cơ lan truyền bệnh dại. Hiện ngành thú y vẫn đang làm công tác kiểm dịch vận chuyển chó, thực hiện kiểm dịch chó, mèo tại nơi xuất phát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông cũng kiểm soát chó, mèo vận chuyển qua các trạm, chốt kiểm dịch. Đối với chó, mèo có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát nhưng không hợp lệ thì tạm giữ. Tuy nhiên, cần phải quản lý hoạt động này từ gốc, nhưng chỉ riêng cơ quan thú y thì không thể thực hiện được mà phải có sự kết hợp các sở ngành khác và chính quyền địa phương. Để làm được điều này thì cần phải có văn bản pháp quy để các cơ quan chức năng có thể dựa trên cơ sở pháp lý này mà thực hiện. Nếu không quản lý được các lò giết mổ như hiện nay thì sẽ có những bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người”.

Q.Thuần

Hoài Nam

>> Trộm chó phải xử lý hình sự
>> Nhóm trộm chó làm 3 thanh niên chết thảm ra đầu thú
>> Vụ 'truy đuổi kẻ trộm chó, 3 người tử vong': Dùng súng điện tự chế bắn người
>> Vụ 'truy đuổi trộm chó, 3 người tử vong': Đã có 3 nghi phạm ra đầu thú
>> Vụ 'truy đuổi trộm chó, 3 người tử vong': Đang vận động các nghi phạm đầu thú
>> Truy đuổi nhóm trộm chó, 3 người bị bắn chết
>> Hai tên trộm chó lãnh án
>> Bắt băng trộm chó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.