Đề xuất 9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản

24/06/2014 02:05 GMT+7

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình đề án Chiến lược phát triển thị trường bất động sản (BĐS) lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất 9 giải pháp để phát triển thị trường này.

Một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật. Rà soát các quy định còn chồng chéo, không còn phù hợp với thực tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý thị trường cũng như cơ chế chuyển nhượng. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người mua BĐS hình thành trong tương lai.

Để tránh tình trạng phát triển đô thị, BĐS theo kiểu tự phát, cần bảo đảm thị trường phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế cũng như quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn một cách đồng bộ, có mục tiêu cụ thể và tầm nhìn dài hạn, phù hợp. Yêu cầu công khai, minh bạch, đơn giản được đặt ra với quy hoạch chi tiết và kế hoạch phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn và thủ tục hành chính trong công tác điều chỉnh mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó là tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm kiểm soát, điều tiết thị trường BĐS phát triển bền vững.

Yêu cầu đặt ra với thị trường BĐS còn là tái cơ cấu và phát triển hàng hóa đa dạng, xử lý lệch pha cung cầu, chủ động bình ổn thị trường. Theo Bộ Xây dựng, việc dự báo nhu cầu nhà ở thiết yếu cần được nâng cao, ngoài việc xây kế hoạch kỹ lưỡng. Với các dự án đang triển khai hoặc đã giao nhưng chậm triển khai, cần phải rà soát. Ngoài ra, cần tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế. Nhà nước chủ động điều tiết nguồn cung và giá cũng như các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.

Những giải pháp còn lại là hình thành định chế tài chính để thu hút vốn, áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt, nghiên cứu xây dựng thị trường tái thế chấp có sự quản lý của nhà nước. Cần hạn chế những doanh nghiệp không có năng lực tham gia thị trường, tạo điều kiện cho các đơn vị thực sự có năng lực về tài chính, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp. Có cơ chế kiểm soát tỷ lệ đầu tư vào BĐS của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh BĐS, đầu tư nội bộ của các ngân hàng vào BĐS.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.