Công khai thi hộ - Kỳ 2: Tiền mất, tật mang

25/06/2014 09:00 GMT+7

Lý do dẫn đến việc sinh viên nhờ người học thuê, thi hộ nhiều khi không đáng nhưng hậu quả mà sinh viên gánh chịu thì chẳng nhỏ.

Lý do dẫn đến việc sinh viên nhờ người học thuê, thi hộ nhiều khi không đáng nhưng hậu quả mà sinh viên gánh chịu thì chẳng nhỏ.

>> Công khai thi hộ (kỳ 1)

Công khai thi hộ - Kỳ 2: Tiền mất, tật mang
Làm thẻ sinh viên giả để thi hộ tại hiệu ảnh - Ảnh: Thanh Vạn

 Tìm người thi vì bận... bán sữa chua

Có vô vàn lý do khiến sinh viên (SV) tìm người học - thi hộ. Nhiều SV thuê người học hộ, thi hộ không phải vì lý do không làm được bài mà mong muốn một điểm số tuyệt đối. Một người trên Fanpage “Dịch vụ học hộ, thi hộ” yêu cầu người thi hộ môn kinh tế vĩ mô phải chắc chắn được 10 điểm.

Một số SV khác xem nhẹ việc học, chỉ muốn có người đi học thay cho mình. Chẳng hạn một SV của ĐH Quốc gia Hà Nội cần thuê người học hộ trọn gói cả tháng 5.2014, vào thứ bảy và chủ nhật. Giá SV này đưa ra là 1 triệu đồng/tháng, bao gồm làm bài tập hộ và kiểm tra đột xuất (nếu có). Yêu cầu đưa ra là đi học đúng giờ (điểm danh đầu tiết và cuối tiết), chịu trách nhiệm tìm người thay thế nếu có việc đột xuất hay bất kỳ lý do nào không thể đi được.

Trong kỳ thi vào tháng 5.2014 của Trường ĐH Hải Phòng, nhiều SV đã lên mạng đăng tin tìm người thi hộ trong kỳ thi tích lũy với giá 100.000 đồng/môn nếu mỗi môn đạt điểm B. Đợt thi này có tên là thi tích lũy (gọi nôm là kỳ thi “nhân đạo”), mỗi năm chỉ tổ chức một lần dành cho SV năm cuối có nhiều điểm D, điểm “liệt” F muốn cải thiện điểm trước khi xét kết quả tốt nghiệp.

Trong vai người thi hộ, chúng tôi đã hẹn gặp P.K.T, 22 tuổi, nhà ở P.Niệm Nghĩa, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng, người đã lên Facebook tìm người thi hộ. T. học Khoa Kế toán - Tài chính Trường ĐH Hải Phòng, có 7 môn không đủ điểm nên chưa thể ra trường. T. ra giá: “Nếu mình đạt điểm C, bạn sẽ được 100.000 đồng mỗi tín chỉ, điểm B là 200.000 đồng, điểm D thì không được tiền”, T. nói.

T. phải tìm người thi hộ do bận... bán sữa chua. T. yêu cầu chúng tôi đưa ảnh chân dung để làm thẻ SV giả. Khi chúng tôi đề cập tới chuyện bị giám thị phát hiện, T. cho biết sẽ có may rủi và hướng dẫn: “Nếu bị bắt, bạn cứ bảo không biết gì rồi bỏ lại thẻ SV, chứng minh thư và chạy ra ngoài. Thầy cô sẽ xem thẻ SV rồi gọi mình đến trường để xử lý”. Nhưng T. cũng trấn an: “Thầy cô không nhớ mặt SV, nhiều người cũng nhờ thi hộ và đều qua cả”.

Muôn kiểu thi thuê

Với sự phát triển của internet, nhiều hình thức thi hộ khác cũng ra đời. Không cần phải nhờ người thi hộ đến trường thi, có SV chỉ cần thuê một người làm bài thi gián tiếp qua Facebook hoặc Zalo để liên hệ trong giờ thi. Chẳng hạn, một nam SV Trường ĐH Luật Hà Nội thuê người “nhắc bài trong phòng thi”: “Hiện tại mình đang muốn tìm một bạn đi nhắc bài tiếng Anh tại Trường ĐH Luật Hà Nội, yêu cầu phải là SV năm 1, 2 hoặc 3 của trường. Cái chính chỉ là nhắc phần ngữ pháp thôi, vì những phần khác mình khá ổn rồi. Tiền cảm ơn: 500.000 nhé, lệ phí thi mình chi toàn bộ nhé”.

SV của Trường ĐH Dược Hà Nội cũng thuê người thi hộ. Chẳng hạn, một SV nữ của trường này nhờ người thi hộ đến 4 môn học: Nguyên lý Mác 1, Sinh học đại cương, Vật lý đại cương, Toán thống kê Y Dược. Yêu cầu là điểm thi phải từ 7 điểm trở lên với giá cả thỏa thuận.

Bị lừa mất tiền

Với mong muốn cải thiện điểm số, nhiều SV đã tin tưởng giao phó số phận của mình cho người thi hộ để rồi tiền thì mất, kết quả thì rớt.

Đã có SV đăng hình của người thi hộ lên mạng và cảnh báo: “Mọi người tránh xa người này ra. Nó lừa mình kêu thi được 9, 10 điểm mà hôm nay tui bị 1 điểm! Giờ nó chặn Facebook với tắt máy rồi”. Thông tin này ngay sau khi đăng lên trang Dịch vụ học hộ, thi hộ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, với gần 200 bình luận của nhiều người chuyên nhờ người thi hộ, trong đó nhiều người cũng có bức xúc về việc mình bị lừa.

Một SV khác có nickname Đông Bụi cũng từng bị lừa vì người thi hộ thi được có 3 điểm. Một SV khác bình luận: “Mất tiền không tiếc nhưng bị lừa cũng chẳng hay gì. Hôm trước mình nhờ người thi qua Facebook, trả 100.000 đồng tiền bằng card điện thoại, thế mà được có 2 điểm”.

Đình chỉ học một năm đến buộc thôi học

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, cho biết Khoa Kế toán - Tài chính là một “điểm nóng” thi hộ vì SV đông. “SV nhờ thi hộ nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ học một năm, vi phạm lần 2 sẽ bị buộc thôi học. Người thi hộ cũng sẽ bị truy xét xem là sinh viên trường nào để thông báo, phối hợp xử lý. Năm ngoái, chúng tôi bắt được 2 người thi hộ là SV Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay đã đình chỉ học một năm đối với 5/7 SV vì thi hộ, trong số đó có 3 SV của Khoa Kế toán - Tài chính”.

Ngày 18.7.2013, Hội đồng kỷ luật HS-SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xét kỷ luật 5 SV của trường, trong đó có 2 trường hợp thi hộ, nhờ thi hộ và một trường hợp giả mạo chữ ký. Trường đã tạm đình chỉ học tập 1 năm đối với các SV thi hộ.

Tháng 4.2014 vừa qua, sau khi một loạt giao dịch thi hộ của SV các trường tại Hà Nội như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… bị phanh phui, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường đề nghị chấn chỉnh trước tình trạng thi hộ công khai, bát nháo như hiện nay.

Vũ Ngọc Khánh - Đăng Nguyên

Lê Cầm - Thanh Vạn

>> Vào mùa... thi hộ
>> Lên phương án phát hiện thi hộ
>> Lại phát hiện thêm một trường hợp thi hộ
>> Thi hộ vào Học viện An ninh nhân dân với giá 50 triệu đồng
>> Liều lĩnh thi hộ vào trường… an ninh
>> Đi thi hộ tốt nghiệp lại chưa... tốt nghiệp THPT
>> Lại đình chỉ một thí sinh vì thi hộ
>> Thi hộ có thể bị phạt đến 10 triệu đồng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.