Ai dọn nhạc 'rác'?

22/06/2014 09:00 GMT+7

Hàng loạt trang nhạc số lớn đã đăng tải những bài hát có ngôn từ tục tĩu, phản cảm trong suốt một thời gian dài, nhưng đến tận bây giờ mọi việc mới được cơ quan chức năng để mắt tới.

Hàng loạt trang nhạc số lớn đã đăng tải những bài hát có ngôn từ tục tĩu, phản cảm trong suốt một thời gian dài, nhưng đến tận bây giờ mọi việc mới được cơ quan chức năng để mắt tới.

 Phiếu bé ngoan part 2
Bài hát Phiếu bé ngoan part 2 vẫn vô tư xuất hiện trên YouTube sau khi 6 trang nhạc bị yêu cầu gỡ bỏ

“Lọt” dễ dàng

 Sáu trang nhạc vừa bị cơ quan quản lý văn hóa “sờ gáy”: nhaccuatui.com, mp3.zing.vn, nhacso.net, nhacvietplus.com.vn, nhac.vui.vn, chacha.vn… Đáng ngạc nhiên, đó đều là những “anh lớn” trong lĩnh vực nhạc số hiện nay. Những trang này đã phổ biến hai bài hát Phiếu bé ngoanTan Ka Ka (Ganja). Một bài có ngôn từ dung tục, mô tả hành vi tình dục thô thiển, thậm chí có người gọi thẳng đó là thứ nhạc khiêu dâm. Một bài mô tả những khoái cảm khi sử dụng ma túy, cổ súy lối sống trụy lạc.

 Nếu Tan Ka Ka (Ganja) mới vừa xuất hiện, thì Phiếu bé ngoan part 1 đã được đăng tải trên các trang nhạc từ cách đây vài năm, nhưng vẫn nằm trong “vùng tối” an toàn cho đến khi part 2 vừa được update (cập nhật) cách đây vài tháng. Điểm chung của Tan Ka KaPhiếu bé ngoan là tốc độ lan truyền nhanh chóng và rộng khắp. Đơn cử như Phiếu bé ngoan part 2, chỉ riêng trên trang nhaccuatui.vn, bài hát này đã có tới hơn 87.000 lượt nghe, hàng nghìn lượt thích, chia sẻ trên Facebook. Trong khi Phiếu bé ngoan part 1 không những vẫn được người ta tìm nghe đến tận bây giờ mà nhiều bạn trẻ còn hát lại và chia sẻ trên YouTube. Điều đó còn chứng tỏ một điều có không ít người biết đến việc tồn tại của hai ca khúc này, nhất là khi được đăng tải trên những trang nhạc lớn, nhưng lạ là các cơ quan quản lý đã không hề nhận ra cho đến khi báo chí lên tiếng.

Nhập nhằng trách nhiệm

 Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) khẳng định vụ việc sẽ được xử lý thật nghiêm, trước là các trang nhạc, sau là các ca sĩ. Nhưng mức độ xử lý mà cơ quan quản lý văn hóa có thể đưa ra xem ra khó có thể “nghiêm”. Theo quyết định xử phạt với đối tượng đầu tiên là các trang nhạc, mỗi đơn vị phải nộp phạt hành chính 8 triệu đồng, nhưng đó chỉ là số lẻ của số tiền lợi nhuận khủng mà các trang nhạc này thu được. Đại diện Bộ VH-TT-DL phân bua với báo chí rằng không thể phạt nặng hơn vì mức quy định chỉ có thế. Cũng theo quy định thì cơ quan quản lý nội dung trên internet là Bộ Thông tin - Truyền thông, còn Bộ VH-TT-DL chỉ thanh tra khi có vấn đề xảy ra với những nội dung liên quan đến văn hóa. Điều đó khiến người ta phân vân không hiểu đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để “lọt” những bài hát “rác” này lên trên mạng? “Việc không cùng một nơi khiến chúng tôi gặp khó khăn chứ. Nhưng quy định của nhà nước là như vậy rồi” - ông chánh thanh tra phân trần.

 Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nhạc “rác” tung hoành, người ta còn thấy cả ở những quy định “rùa bò” không bắt kịp với văn hóa mạng đang ngày càng phát triển. Những kênh chia sẻ mở về âm nhạc, điện ảnh, video mọc lên như nấm sau mưa. Ở đó, giống như một cái chợ, người ta có thể đưa mọi thứ lên, có những món ngon món dở, và tất nhiên cả những thứ bị coi là rác bẩn. Không chỉ nhạc “rác” mà phim “rác” cũng vô tư lên mạng, chẳng hạn như bộ phim 18+ Căn hộ số 69 được đăng tải trên YouTube suốt hơn một tuần mà chẳng thấy cơ quan quản lý nào ngó ngàng tới. Áp dụng hết điều khoản nọ, quy định kia nhưng cuối cùng xử phạt vẫn chỉ như “phủi bụi". Nếu mọi việc không thay đổi thì nhạc "rác" hay phim “rác” sẽ chẳng bao giờ được dọn hết.

Minh Ngọc

 >> Nam thanh niên khoe thân phản cảm
>> “Hứng đá” vì tạo dáng phản cảm
>> Bình luận bằng ảnh chế gây phản cảm
>> Quyết liệt xử lý những nghệ sĩ cố tình gây phản cảm
>> Cấm “nghệ sĩ phản cảm” biểu diễn
>> Lại tranh luận về nghệ sĩ mặc phản cảm
>> “Mổ xẻ” trang phục phản cảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.