Trốn bảo hiểm xã hội cần xử như trốn thuế

17/06/2014 09:00 GMT+7

Thảo luận luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hôm qua, hầu hết các đại biểu QH đều đề nghị phải xử lý nghiêm những người trốn, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội.

Thảo luận luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hôm qua, hầu hết các đại biểu QH đều đề nghị phải xử lý nghiêm những người trốn, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội.

Trốn bảo hiểm xã hội cần xử như trốn thuế
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng việc nợ BHXH kéo dài có nguyên nhân do phối hợp giữa các bộ ngành không chặt chẽ - Ảnh: TTXVN

Đa phần đại biểu (ĐB) khi thảo luận cũng đều bày tỏ bức xúc khi thời gian qua Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) bị chiếm đoạt, nợ đọng… gây thiệt hại cho người đóng. ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho biết theo báo cáo, kể từ năm 2009 BHXH ký 14 hợp đồng với Công ty cho thuê tài chính (ALC2) hơn 1.000 tỉ đồng cho vay, từ năm 2009 đến 31.5.2014 mới trả được khoảng 237 tỉ đồng, hiện còn nợ hơn 772 tỉ đồng. “Đây là tính số tiền nợ gốc, chưa tính lãi trong khi đó khả năng trả nợ của ALC2 là rất thấp”, ĐB Phụng lo ngại và đề nghị phải xử lý nghiêm những người có trách nhiệm, thu hồi lại số tiền trên.

Các ĐB cũng dẫn số liệu của Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho thấy hiện nay số tiền nợ BHXH lên tới khoảng 5.000 tỉ đồng là vô cùng lớn. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên ngoài yếu tố chủ quan thì việc chia cắt BHXH cho 3 bộ quản lý (Y tế, Tài chính, LĐ-TB-XH) không chặt chẽ nên để xảy ra các sai phạm nhất định.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề xuất xử lý tội trốn BHXH, nợ đọng và chây ì như trốn thuế. “Chậm nộp phải trả lãi suất, truy thu, cưỡng chế. Thậm chí, nếu hành vi làm trái, chiếm đoạt thì phải khởi tố hình sự”, ĐB Trường nói.

Không đồng ý nâng tuổi hưu

Dự thảo luật đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 và nữ 60 để có thể tiếp tục mở rộng đối tượng đóng BHXH, nhưng ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng ở độ tuổi 60 của nam và 55 của nữ sức ì đã lớn, đa phần người lao động có tâm lý muốn nghỉ ngơi; một số làm giảng viên, bác sĩ có làm thêm nhưng không đáng kể. Trong khi đó, hằng năm cả nước có hàng triệu lao động trẻ bước vào độ tuổi lao động nhưng không có việc làm. Trong chủ trương chung của đất nước là tin tưởng, tạo điều kiện cho giới trẻ, ĐB Tiến đề nghị “không nên nâng tuổi hưu như dự thảo luật nữa”.

Đồng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng ban dự thảo muốn nâng tuổi hưu để mở rộng đối tượng bảo hiểm, tăng nguồn thu cho ngân sách… nhưng lại không đưa ra được căn cứ như sức khỏe, môi trường làm việc của đa số người lao động. “Tăng tuổi nghỉ hưu thì nhóm trẻ biết trông chờ vào đâu, chờ đợi đến bao giờ. Là người đưa ra chính sách, tôi đề nghị QH chúng ta phải hết sức cân nhắc”, ĐB Phương đề nghị.

Trong số 16 ĐB phát biểu ý kiến, gần như toàn bộ đều không nhất trí với điều khoản này. Tại hội trường, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền giải trình thêm, theo quy định của bộ luật Lao động, người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao được kéo dài tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ, đặc biệt đối với nữ làm lãnh đạo. Bà Chuyền xin phép tiếp thu các ý kiến một cách cụ thể hơn. Về các biện pháp chế tài nợ, chiếm đoạt BHXH, Bộ trưởng Chuyền cũng xin tiếp thu để nghiên cứu, bổ sung, sớm trình lại QH cho ý kiến nhằm có thể thông qua được vào kỳ họp cuối năm.

Kết luận tại phiên họp, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đặc biệt lưu ý Ban soạn thảo về ý kiến nâng chế tài xử lý tội trốn BHXH, không đồng ý nâng tuổi hưu của các vị ĐB.

Bảo đảm thuận lợi cho người nước ngoài cư trú tại VN

Chiều qua QH đã thông qua luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015).

Luật gồm 9 chương và 55 điều, áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại VN... Theo đó, nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh được luật quy định cụ thể bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN.

Luật cũng nghiêm cấm cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN. Cấm đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Tăng Đại biểu QH chuyên trách

Hầu hết các ý kiến phát biểu trong phiên thảo luận luật Tổ chức QH hôm qua đều đề nghị tăng số ĐB chuyên trách tối thiểu lên 40%, nhiều ý kiến còn đề nghị tăng lên 45%, thậm chí 50%, so với quy định của dự thảo tối thiểu là 35%. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng cần nâng lên ít nhất là 45% cho QH có điều kiện hoạt động tốt hơn. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), để tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của QH, việc quy định nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên đến 50% là cần thiết. “Nếu công tác chọn lựa tốt thì tôi nghĩ chỉ cần một nửa số đại biểu QH mỗi năm tham gia giám sát đến cùng một vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài thì cả nước có đến 250 vụ oan sai được giải quyết”, ông Nghĩa quả quyết.

ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) góp ý thêm, dự luật lần này cần tăng cường hơn nữa ĐB chuyên trách cùng sống, cùng ăn, cùng làm với nhân dân, cử tri, doanh nghiệp thì mới có thể nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hay những hiến kế đa dạng, phong phú trong nhân dân.

Bảo Cầm

Anh Vũ

>> Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội 12.500 tỉ đồng
>> Chây ì ngàn tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội
>> Đi tù vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội
>> Khởi kiện 492 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Khởi kiện doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.