Hàng tồn đọng lớn ở các cảng

17/06/2014 03:00 GMT+7

Tại cuộc họp cuối tuần qua ở TP.HCM, đại diện các cảng biển khu vực TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tốc độ giải phóng tàu diễn ra chậm hơn so với trước ngày 1.4, thời điểm Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp siết tải trọng xe.


Hàng đang chờ giải phóng tại cảng SPCT, TP.HCM - Ảnh: Đình Mười 

Các cảng phải hạ tải khối lượng hàng hóa vượt quá tải trọng so với quy định, nhất là các thiết bị nguyên khối phục vụ công trình lớn, các container lạnh, hàng xuất nhập khẩu... Nhiều nơi tàu trở thành kho chứa hàng do hàng không được không bốc dỡ kịp; lượng xe quay đầu cũng không đáp ứng kịp, dẫn đến tồn hàng.

Đại diện Vinalines cho biết khi kiểm tra tải trọng và buộc hạ tải, các đơn vị chức năng đã gặp sự phản ứng của nhiều tài xế, nhất là hàng container kẹp chì, hàng xuất khẩu, hàng nguyên khối. Đại diện Vinalines đề nghị các cơ quan nhà nước cần ban hành các quy định pháp lý để tránh phản ứng của tài xế, chủ hàng đồng thời kết nối nhanh đường sắt với cảng biển để lưu thông hàng hóa.

Theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cảng đang tồn khoảng 80 - 100 container hàng, các doanh nghiệp (DN) đang xin phép cho từng lô hàng siêu trường, siêu trọng. Do vậy, các bộ ngành cần phối hợp hướng dẫn DN giải phóng hàng nhanh ở cảng cũng như bố trí các trạm cân, chốt kiểm tra tải trọng khoa học hơn, đảm bảo diện tích để xe container ra vào thuận tiện, tránh gây ùn tắc giao thông.

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, cho rằng không nên xem hàng siêu trường siêu trọng là hàng quá tải. Bởi các thiết bị, máy móc của ngành điện thường có khối lượng rất lớn, như máy biến áp đơn pha 500 KV không dầu đã nặng 140 tấn. Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho biết đã ghi nhận các ý kiến để kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh cho phù hợp.

Đình Mười

>> Xét xử phúc thẩm 'đại án' Vinalines: 'Khi đưa tiền chỉ được nói là bồi dưỡng...
>> Đưa tiền bồi dưỡng là quy định bất thành văn ở Vinalines
>> Hôm nay, tòa phúc thẩm tiếp tục xử vụ Vinalines

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.