Trung Quốc không lường hết giá phải trả

07/06/2014 05:40 GMT+7

Đây là nhận định của TS Nguyễn Nam Dương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên về tình hình biển Đông.

 Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh chụp ngày 4.5) - Ảnh: Mai Thanh Hải

Cái giá về chính trị - ngoại giao cao hơn nhiều so với dự đoán

* Đến nay đã hơn một tháng kể từ thời điểm Trung Quốc (TQ) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như dư luận quốc tế, TQ hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hành động phi pháp của mình. Theo ông, phải chăng những phản ứng ấy của Việt Nam cũng như quốc tế là vô nghĩa đối với TQ?

- Chúng ta cần phải thấy được rằng đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao trường kỳ, phức tạp. Đối với một nước như TQ thì không thể ảo tưởng rằng chỉ đấu tranh ngoại giao qua 1 tháng mà họ đã phải chấp nhận xuống thang ngay.

 

Chúng ta cần tiếp tục làm cho dư luận quốc tế và bản thân nhân dân Trung Quốc hiểu được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta, tác động đến giới cầm quyền Trung Quốc để buộc họ phải xem xét lại cách hành xử hiện nay

Đó là chưa kể đến hành động phi pháp của TQ vừa qua là một bước tiến được tính toán kỹ lưỡng trong chiến lược hải dương lâu dài của họ. Điều này có nghĩa là ở mức độ nào đó, họ cũng đã tính đến phản ứng quốc tế, và thậm chí họ có thể chấp nhận đánh đổi vốn liếng chính trị và quan hệ tốt đẹp với các nước khác để theo đuổi mục tiêu nước lớn của họ. Trong bối cảnh như vậy thì không ai lại giản đơn cho rằng TQ sẽ dễ dàng từ bỏ cuộc phiêu lưu của họ khi gặp phải sự phản ứng của các nước liên quan.

Tuy vậy tôi cho rằng trên thực tế TQ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, của ASEAN cũng như của cả cộng đồng quốc tế mà họ không lường hết. Điều này sẽ khiến cho TQ phải trả một cái giá về chính trị - ngoại giao cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của họ, buộc họ phải cân nhắc thiệt hơn và điều chỉnh lại chính sách gây hấn hiện nay. Chúng ta cần tiếp tục làm cho dư luận quốc tế và bản thân nhân dân TQ hiểu được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta, tác động đến giới cầm quyền TQ để buộc họ phải xem xét lại cách hành xử hiện nay.

* Trong thời gian tới nếu TQ tiếp tục chính sách hiếu chiến của họ thì Việt Nam cần có đối sách như thế nào?

- Việt Nam vẫn phải tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách đúng đắn hiện nay, đồng thời liên tục điều chỉnh sách lược để ứng phó với tình hình mới. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ theo đuổi các giải pháp hòa bình và sẽ không vượt quá các giải pháp hòa bình đó, trừ khi đối phương sử dụng vũ lực tấn công trước thì Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình. Việt Nam cũng có khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý, tuy nhiên đó cũng là một mặt trận phức tạp chứ không đơn giản.

Đều là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương, Việt Nam và TQ có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp cho tôn chỉ, mục đích duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế. Có nhiều diễn đàn mà Việt Nam có thể triển khai đấu tranh ngoại giao như Liên Hiệp Quốc (LHQ), Phong trào Không liên kết, các diễn đàn an ninh trong khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Mặc dù có một số ý kiến khác nhau về tác dụng của các diễn đàn và khả năng điều phối của ASEAN nhưng trong vòng hai thập niên vừa qua các thiết chế an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) vẫn có hiệu quả tương đối và không có lý do gì mà Việt Nam không phát huy hơn nữa vai trò của mình trong các thể chế này, đặc biệt trong điều kiện ASEAN đã đạt được sự đoàn kết thống nhất ở mức cao nhất trong vài năm trở lại đây, vượt qua được sự cố ngoại giao ở Campuchia cách đây 2 năm.

Các cách tiếp cận của người Mỹ

* Báo chí nước ngoài có thông tin về việc Mỹ muốn lập một mạng lưới an ninh mới ở khu vực trong đó Mỹ muốn có sự tham gia của Nhật Bản, Úc, Philippines, Việt Nam... để ứng phó với sự hung hăng của TQ trên biển Đông. Ông nhận định như thế nào về thông tin này cũng như khả năng tham gia của Việt Nam?

- Những tuyên bố của Mỹ ở Diễn đàn Shangri-La vừa qua cũng như nhiều tuyên bố trước đây của Mỹ được diễn giải theo những cách khác nhau. Nhưng với tư cách một nhà nghiên cứu thì tôi thấy rằng khả năng thiết lập một mạng lưới phòng thủ đa phương ở khu vực CA-TBD là không có cơ sở. Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ do các vấn đề hiện tại mà còn xuất phát từ các vấn đề chính trị, văn hóa, lịch sử của khu vực.

Thời kỳ Chiến tranh lạnh đã hình thành nên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một khối phòng thủ tập thể, liên minh quân sự giữa Mỹ và một số nước châu u. Tuy nhiên cũng trong thời kỳ đó Mỹ đã không có điều kiện để thiết lập một khối tương tự như vậy ở CA-TBD mà chỉ có các liên minh song phương do Mỹ đứng đầu như liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Philippines, Mỹ - Úc , Mỹ - Hàn...  Vài năm trở lại đây các liên minh song phương của Mỹ ở CA-TBD có sự phối hợp nhất định chứ không còn tồn tại riêng lẻ theo mô thức “trục nan hoa” như thời Chiến tranh lạnh nữa. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực, nhất là Nhật Bản ngày càng có sự chủ động, tích cực. Nhật Bản đang ở trong tiến trình sửa đổi, điều chỉnh chính sách an ninh quốc gia mới cho phép nước này chủ động hơn trong việc tham gia vào việc phòng thủ tập thể với Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là nếu một mạng lưới an ninh như vậy được hình thành thì Việt Nam có tham gia hợp tác không? Chúng ta đều biết chính sách trước sau như một của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự với bất kỳ nước nào. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Việt Nam tự hạn chế các quan hệ ngoại giao an ninh - quốc phòng của mình. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện như hiện nay Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hội nhập an ninh - quốc phòng ở mức độ phù hợp với tất cả các nước bạn bè, các nước đối tác có thiện chí đối với việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực.

* Phát biểu tại Học viện Quốc phòng West Point hôm 28.5, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng Washington sẵn sàng phản ứng lại sự gây hấn của TQ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thực tế thông điệp của Mỹ không thực sự mạnh mẽ như vậy. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Tôi cho rằng khi nghiên cứu về Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác không nên chỉ săm soi từng câu chữ trong một bài diễn văn nào đó. Cách phân tích ấy sẽ không giúp phản ánh đúng vấn đề mà ở đây cụ thể là chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong vụ giàn khoan Hải Dương-981 có thể thấy quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất chính là Mỹ. Việc lên tiếng chỉ trích các động thái đơn phương của TQ có ở tất cả các nhánh quyền lực của Mỹ từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng an ninh quốc gia, các nghị sĩ của lưỡng viện đến Phó tổng thống, Tổng thống. Đương nhiên ở mỗi vị trí thuộc mỗi nhánh quyền lực họ có cách tiếp cận khác nhau nhưng tựu trung có thể thấy Mỹ có những thông điệp mạnh mẽ nhất so với nhiều quốc gia khác.

Trung Quốc sắp đưa tàu chiến mới tới Hoàng Sa

Tờ Tửu Thành tân báo của Trung Quốc đưa tin hải quân nước này sẽ làm lễ đặt tên cho một khinh hạm mới thuộc lớp 056 vào hôm nay 7.6. Dự kiến, con tàu sẽ mang tên Lô Châu, theo tên một thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Điều đáng nói là theo Tửu Thành tân báo, TQ đã có kế hoạch triển khai con tàu này đến vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu lớp 056 chuyên hoạt động ở vùng nước cạn, được trang bị 2 tên lửa hành trình chống tàu YJ-83, hệ thống tên lửa tầm ngắn FL-3000N, pháo 76 mm và ngư lôi.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là một bước leo thang mới về quân sự của TQ, tiếp tục ngang ngược vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Minh Trung

Trường Sơn (thực hiện)

>> Tàu Trung Quốc ném đá vào tàu Việt Nam
>> Nhật tố tàu Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp
>> Ngư dân Đà Nẵng kiện tàu Trung Quốc
>> Nhiều chủ tàu cá tố cáo bị tàu Trung Quốc tấn công
>> Miễn chi phí cho ngư dân Đà Nẵng kiện tàu Trung Quốc
>> Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam: Nhân chứng kể lại tội ác man rợ
>> Tàu Trung Quốc hung hăng đâm hư hại nặng tàu kiểm ngư Việt Nam
>> Tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp ngư dân Việt Nam
>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Tàu Trung Quốc chuyển sang tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.