Thiếu máu do thiếu sắt, giảm IQ

30/05/2014 14:05 GMT+7

Thiếu máu, thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, hoạt động thể chất mà còn ảnh hưởng đến hoạt động trí não. Trong chế độ ăn, người Việt Nam thường không cung cấp đủ chất sắt cho nhu cầu nên rất dễ có nguy cơ thiếu sắt.

 Thiếu sắt, thiếu máu ảnh hưởng đến phát triển thông minh ở trẻ - Ảnh minh họa
Thiếu sắt, thiếu máu ảnh hưởng đến phát triển thông minh ở trẻ - Ảnh minh họa

Mối liên hệ giữa sắt và IQ

Theo TS-BS Nguyễn Thanh Danh, khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học thế giới đã chỉ ra rằng khi cơ thể không đủ sắt, chỉ số IQ sẽ "tự động" giảm từ 5-10 điểm. Nếu chỉ số IQ giảm dưới 75 điểm thì khả năng tập trung và tiếp thu bài vở cũng giảm theo.

Trung bình trong cơ thể con người có khoảng 4-5 lít máu lưu thông thường xuyên. Máu bao gồm các thành phần: bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu và các chất dinh dưỡng, trong đó hồng cầu có chức năng mang oxy từ phổi tới các mô (tế bào). Sắt tạo ra hemoglobin tức huyết sắc tố chứa trong hồng huyết cầu. Khi cơ thể thiếu sắt, các tế bào không nhận đủ oxy sẽ dẫn đến giảm khả năng phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ. Cụ thể hơn, việc thiếu sắt sẽ làm giảm lượng chất sắt dự trữ trong não, tác động không tốt đến tế bào thần kinh gây ảnh hưởng đến khả năng học hành.

Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến phát triển của trẻ - Ảnh minh họa
Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng đến phát triển của trẻ - Ảnh minh họa

Thực hiện nghiên cứu trên 5.400 em từ 6 đến 16 tuổi, các nhà khoa học Mỹ thấy rằng khi làm bài kiểm tra toán, các em thiếu sắt có khuynh hướng bị điểm dưới trung bình cao gấp hai lần so với các em khác. Nghiên cứu của tiến sĩ Laura Murray-Kolb và John Beard, thuộc Đại học bang Pennsylvania, cũng chỉ ra rằng những người bị thiếu sắt nhưng chưa thiếu máu và người có triệu chứng thiếu máu lẫn thiếu sắt có tốc độ làm bài kiểm tra chậm hơn so với những người bình thường. Bệnh càng nặng thì tốc độ càng chậm.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, các em bị thiếu sắt sẽ kém tập trung, hay ngủ gật trong giờ học, học bài khó nhớ, mau quên. Cơ bắp không đủ oxy nên các em sẽ mau mệt khi hoạt động thể lực.

Bổ sung sắt bằng cách nào?

Có thể bổ sung sắt thông qua con đường ăn uống vì vi chất rất dễ tìm trong cả thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật lẫn động vật. Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng vẫn thường khuyến khích phụ huynh chọn lựa thực phẩm giàu sắt hay thực phẩm giúp hấp thu tốt chất sắt như mộc nhĩ, thịt, cá, lòng đỏ trứng gà, các loại đậu, nấm hương, gà tây, nghêu, sò, cá, sữa, rau lá xanh, các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ, thơm… Nên hạn chế nước trà đặc, cà phê vì các loại thức uống này có chất ức chế khả năng hấp thu sắt vào cơ thể.

Thực phẩm bổ sung chữa thiếu sắt, thiếu máu - Ảnh minh họa
Thực phẩm bổ sung chữa thiếu sắt, thiếu máu - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến nghị bé gái trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản do có thiếu sắt trong chu kỳ kinh nguyệt nên cần bổ sung sắt hàng tuần, tốt nhất nên chọn thuốc sắt có bổ sung cả a-xít folic và vitamin B12 cũng là những vi chất rất quan trọng đối với sức khỏe người phụ nữ. Nên chọn thuốc sắt hữu cơ ở dạng muối như thuốc sắt fumarate sẽ được cơ thể hấp thu tốt hơn đồng thời hạn chế tác dụng phụ bị táo bón ở các thuốc sắt khác. Cũng theo nghiên cứu của tiến sĩ Laura Murray-Kolb và John Beard, những người bị thiếu sắt thể nhẹ có thể cải thiện được khả năng làm bài kiểm tra sau 4 tháng bổ sung vi chất sắt liên tục với hàm lượng 60mg/ngày.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.