Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quan hệ kinh tế với Trung Quốc không có gì đáng ngại

29/05/2014 15:12 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra ngày hôm nay (29.5) trước lo ngại Trung Quốc có thể gây sức ép về kinh tế trước căng thẳng trên biển Đông.

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Các doanh nghiệp hãy yên tâm đầu tư vào Việt Nam
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mong muốn có hòa bình nhưng phải đảm bảo được toàn vẹn lãnh thổ
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hành động 'cực kỳ nguy hiểm' của Trung Quốc đe dọa hòa bình biển Đông

Xuất nhập khẩu chưa có gì bất ổn

Thủ tướng cho biết, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe doạ an ninh, hoà bình, ổn định mà còn tác động đến tình hình kinh tế đất nước.

Trước sự ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc, cả dân tộc Việt Nam cực lực phản đối. Đảng và Nhà nước quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các giải pháp hoà bình theo đúng luật pháp quốc tế.

Trong tháng 5, căng thẳng trên biển Đông cũng như vụ việc phá hoại của một số kẻ quá khích khiến nhiều người lo ngại quan hệ giao thương, xuất nhập khẩu đầu tư với Trung Quốc bị suy giảm, gây thiệt hại kinh tế của Việt Nam. Nhưng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định, thứ nhất chỉ số công nghiệp chuyển biến tốt so cùng kỳ năm trước, tăng 5,9%, mức này khá cao so cùng kỳ 2013 chỉ tăng 4,9%. Qua kiểm tra tại các địa phương có hoạt động giao thương với Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường, kể cả hàng nông sản xuất khẩu. “Tình hình chưa có dấu hiệu gì bất ổn cần đáng quan tâm”, ông Hoàng khẳng định.

Nhưng với cán cân thương mại đang lệch về Trung Quốc khi Việt Nam nhập siêu khoảng 40 tỉ USD, thời gian tới Bộ trưởng Hoàng cho biết cần phải tiếp tục đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thêm các đối tác khác để phòng trường hợp bị gián đoạn.

Trên lĩnh vực đầu tư, hiện tại Trung Quốc đang tham gia vào một số dự án đầu tư lớn về thuỷ điện như Duyên Hải, Vĩnh Tân; nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Gang thép Thái Nguyên và Lào Cai… ngoài ra còn hai dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên (Tân Rai, Nhân Cơ) do Trung Quốc làm tổng thầu. Hoạt động của các dự án này vẫn diễn ra bình thường, không có gì đáng lo ngại. Đặc biệt, nhà máy thép Lào Cai do Trung Quốc góp 49% và Việt Nam 51% vốn vừa khánh thành và đã cho ra mẻ sắt đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết thêm, hoạt động xuất nhập khẩu về nông, lâm sản tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường. Một số mặt hàng như khoai lang, cao su bị đối tác Trung Quốc ép giá thấp. Nhưng tất cả không có gì đáng ngại, hiện vật tư cho sản xuất nếu không mua của Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước có thể mua được của các đối tác khác.

Không có gì bế tắc

Qua nghe báo cáo cụ thể tình hình, Thủ tướng lưu ý quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn là tất yếu, trước mắt có lúc thăng lúc trầm tác động đến kinh tế hai bên nhưng với vị trí là hàng xóm của nhau, về lâu dài quan hệ kinh tế vẫn có lợi ích đan xen qua lại cho cả hai. Nếu Trung Quốc không xuất khẩu qua Việt Nam thì bản thân cũng chịu thiệt, nếu Trung Quốc không mua lúa, cao su, nông sản… của Việt Nam cũng phải mua của nước khác đắt hơn. Thủ tướng yêu cầu, một mặt vẫn tăng cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, một mặt cố gắng giữ quan hệ bình thường để hai bên cùng có lợi. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, toàn cầu hoá, theo Thủ tướng không có bất cứ bế tắc gì, vì đơn giản Trung Quốc không thể đóng cửa hoàn toàn. Thứ hai, đóng cửa Trung Quốc cũng chịu thiệt hại và sức ép lớn từ các thành viên của WTO, của Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong tổng thể, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu về lâu dài phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, du lịch, đầu tư và lao động. Trong khó khăn càng phải tính lâu dài, thị trường này khó khăn thì sẵn sàng có thị trường khác thay thế. Dù bước chuyển có tốn chi phí, thời gian nhưng khi cần vẫn chủ động được. Hiện tại Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc nhưng lại xuất siêu sang các nước như Mỹ, châu u… do đó, thời gian tới cần phải tiến tới cân bằng xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.