Luật sư của Vietinbank: Chính ACB đã tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo 718 tỉ đồng

29/05/2014 15:58 GMT+7

(TNO) Trong phần tranh luận tại tòa chiều nay 29.5, luật sư Nguyễn Lê Thái Dũng – người bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Ngân hàng Vietinbank, cho rằng ACB thiệt hại là do Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, do vậy không có căn cứ để yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm.

>> Luật sư yêu cầu Vietinbank trả 718 tỉ đồng cho ACB mà Huyền Như đã chiếm đoạt
>> Xét xử 'bầu' Kiên: Làm rõ việc ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền
>> Huỳnh Thị Huyền Như thuật lại quá trình chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB
>> Phục hồi điều tra đối với nguyên Phó chủ tịch ACB

Luật sư Dũng đã bác lại luận cứ đưa ra trước đó của luật sư Trương Thanh Đức – đại diện cho Ngân hàng ACB. Về khoản tiền hơn 718 tỉ đồng do nhân viên Ngân hàng ACB đi gửi, luật sư Dũng đồng tình với quan điểm cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố. Còn việc Ngân hàng ACB muốn xem xét trách nhiệm, nghĩa vụ của Vietinbank là không có căn cứ. Theo luật sư Dũng, chính Ngân hàng ACB đã tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo. Việc nhân viên ACB gửi và thỏa thuận với cá nhân Huyền Như là sai pháp luật.

Luật sư của Vietinbank: Chính ACB đã tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo 718 tỉ đồng
Luật sư Lê Thái Dũng tranh luận tại tòa - Ảnh: Hà An

Sở dĩ Huyền Như có thể chiếm đoạt được số tiền 718 tỉ đồng là do Ngân hàng ACB ra Nghị quyết chủ trương ủy thác. Chính chủ trương này mà Huyền Như có cơ hội lừa đảo. Trong khi đó thỏa thuận gửi tiền vượt trần là việc làm trái với quy định.

“Người gửi tiền phải có trách nhiệm trực tiếp đến làm thủ tục, chủ tài khoản phải tự hạch toán số dư tài khoản, chịu trách nhiệm về sự thay đổi số dư. Tuy nhiên nhân viên Ngân hàng ACB đã không nhận các thẻ tiết kiệm theo quy định ủy thác gửi tiền, mà phó mặc cho Huỳnh Thị Huyền Như giữ thẻ tiết kiệm và không có ý kiến gì với Vietinbank khi số tiền bị trích khỏi tài khoản. Huyền Như bị thúc ép bởi các khoản nợ vay nặng lãi nên đây là cơ hội để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội”, luật sư Dũng tranh luận.

Vẫn theo luật sư Dũng: “Huyền Như có ý thức chiếm đoạt số tiền của ACB ngay từ đầu. Sau đó dùng các thủ đoạn gian dối để dẫn dụ nhân viên ACB đến gửi tiền để chiếm đoạt. Cụ thể là việc gửi tiền trên mức lãi suất quy định, hưởng hoa hồng do nhân viên ACB thỏa thuận với Huyền Như. Người thỏa thuận với Huyền Như cũng đã được chuyển vào tài khoản riêng của mình số tiền hoa hồng 3,7 tỉ đồng. Đây là chiêu trò dẫn dụ của Huyền Như đối với nhân viên ACB để chiếm đoạt”.

Cùng tham gia bảo vệ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Ngân hàng Vietinbank còn có luật sư Lê Hồng Nguyên. Theo luật sư Nguyên: “Huyền Như làm ăn thua lỗ nhưng không có hành vi nào để rút tiền của Ngân hàng Vietinbank. Tuy nhiên, sau khi làm việc với Huỳnh Thị Bảo Ngọc là nhân viên ACB trực tiếp đi thỏa thuận gửi tiền, phát hiện ra lỗ hổng, sai phạm nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt là lợi dụng “màu áo” của Vietinbank để chiếm đoạt tài sản của ACB. Vì vậy, Vietinbank không có nghĩa vụ phải trả lại tiền 718 tỉ đồng cho ACB và không có liên quan đến hành vi cố ý làm trái của các bị cáo tại phiên tòa”.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc, người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank, cũng đưa ra quan điểm: “Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt trót lọt số tiền 718 tỉ đồng là do sự tắc trách của lãnh đạo và nhân viên Ngân hàng ACB. Việc ủy thác là vi phạm pháp luật, vì tại thời điểm thực hiện ủy thác, giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh của ACB mới chỉ có nội dung nhận ủy thác. ACB tắc trách nên không liên quan đến Vietinbank”.

Hà An – Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.