Quản lý chặt các nhà thầu ngoại

24/05/2014 16:15 GMT+7

(TNO) Thảo luận về dự luật Xây dựng sửa đổi tại hội trường sáng 24.5, nhiều ĐBQH tán thành quy định quản lý chặt chẽ các nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

(TNO) Thảo luận về dự luật Xây dựng sửa đổi tại hội trường sáng 24.5, nhiều ĐBQH tán thành quy định quản lý chặt chẽ các nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

 >> Chấm dứt nhà thầu thi công vì chậm tiến độ
 >> Phạt nhà thầu Trung Quốc 570 triệu đồng
>> Vi phạm trong thi công, một nhà thầu nước ngoài bị phạt
>> Yêu cầu kiểm soát chất lượng nhà thầu Trung Quốc
>> Kiểm tra phương tiện thi công của nhà thầu Trung Quốc tại cảng Vĩnh Tân

Theo ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), hiện nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam tương đối nhiều, trong đó nhiều nhà thầu hiện nay không có năng lực thực hiện, không đảm bảo chất lượng, kéo dài thời gian, không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan. Do đó, việc quản lý nhà thầu nước ngoài là rất cần thiết, nhằm đảm bảo chủ quyền của một quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký.

“Việc tổ chức đấu thầu theo luật Đấu thầu thì không có nghĩa chấm dứt sự quản lý của nhà nước đối với nhà thầu nước ngoài. Theo đó, việc quản lý nhà thầu nước ngoài cần được quản lý chặt chẽ hơn. Thực tế có tình trạng các nhà thầu thiết kế hay quy hoạch sau khi được chọn, hoặc trúng thầu, hoặc qua thi tuyển đã thuê lại các nhà thầu thiết kế trong nước với giá rất rẻ so với giá được giao. Cuối cùng, sản phẩm là của người trong nước nhưng giá thành lại là giá trả cho người nước ngoài”, ông Phương dẫn chứng.

Ủng hộ quan điểm này, ĐB Lê Quang Hiệp (Thanh Hoá) nhấn mạnh việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài là thông lệ quốc tế, thể hiện chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà đối với hoạt động kinh doanh của các pháp nhân nước ngoài.

Theo ông Hiệp, pháp luật của một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản... đều có chính sách quản lý nhà thầu nước ngoài. Mặc dù mỗi nước có chính sách khác nhau nhưng đều có quy định chung là khi nhà thầu nước ngoài vào hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hoặc tư vấn xây dựng đều phải đăng ký để được cấp phép, thông qua để các cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được tình hình hoạt động của các nhà thầu nước ngoài.

Kiểm soát hoạt động của các nhà thầu ngoại
ĐB Nguyễn Thanh Thủy phát biểu thảo luận tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi đó, ở Việt Nam trong thời gian qua rất nhiều nhà thầu nước ngoài tự do vào Việt Nam hoạt động xây dựng và tư vấn xây dựng, rất lộn xộn, nhà nước không quản lý được, một số nhà thầu nước ngoài thực hiện các công trình không đảm bảo chất lượng, kéo dài thời gian, không chấp hành quy định của pháp luật trong việc đưa người và máy móc thiết bị thi công vào, đăng ký quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo.

“Do vậy tôi hoàn toàn nhất trí với việc phải quy định về cấp phép đối với nhà thầu nước ngoài vào hoạt động xây dựng, tư vấn xây dựng tại Việt Nam và cần bổ sung các quy định cụ thể về xem xét năng lực nhà thầu và quy định các chế tài đủ mạnh để tăng cường kiểm soát các hoạt động của các nhà thầu, kể cả các chủ đầu tư có các nhà thầu nước ngoài thực hiện”, ông Hiệp bày tỏ quan điểm.

Ngoài nội dung trên, qua thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị cần phải có quy định hạn chế tối đa việc tùy tiện nâng tổng mức đầu tư dự án của các công trình xây dựng vốn phổ biến hiện nay để ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, gây bức xúc dư luận trong thời gian dài. “Nên quy định được phép điều chỉnh tối đa không quá 1,5 lần so với tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, nhằm quản lý đầu tư xây dựng được minh bạch và hiệu quả hơn”, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị.

Theo nghị trình, dự luật Xây dựng sửa đổi sẽ được QH biểu quyết thông qua vào ngày 18.6 tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.