Những ngày tháng 5 dậy sóng

20/05/2014 19:24 GMT+7

Tại Berlin (CHLB Đức), vào những dịp kỷ niệm vui vẻ, mấy thằng lính già bọn tôi vẫn rủ nhau tới quán bia để trút bầu tâm sự. Thông thường rượu vào lời ra, nhất là bạn tôi có tiếng tếu táo và hài hước. Bia càng vào, càng lắm câu chuyện với những tiếng cười trào ra miên man đến tận cuối buổi. Cho đến khi người nọ chếnh choáng dìu người kia vào taxi mới kết thúc một ngày vui. Và như thế mới được gọi là một cuộc nhậu đẹp.

>> Trung Quốc tăng thêm 2 tàu xung quanh giàn khoan Hải Dương 981
>> Trung Quốc liên tục gia tăng tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981
>> Tàu kiểm ngư VN áp sát giàn khoan Hải Dương - 981

Lần này uống bia với bạn thì khác, cả buổi chẳng có câu nào hay ho được nói ra, đến sự kiện duyệt binh hoành tráng trong lễ kỷ niệm ở Điện Biên (7.5) cũng không hề được nhắc đến. Câu chuyện chỉ xoay quay đề tài giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trắng trợn hạ đặt trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, một hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Bạn dằn cốc bia xuống bàn, nói: “Tôi không thích chiến tranh. Nhưng cũng không sợ chiến tranh”. Rồi lại dịu giọng vẻ tần ngần: “Nhưng nếu chiến tranh nổ ra thật, thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Chúng có tội tình gì đâu".

Những ngày tháng 5 dậy sóng
Người Việt và bạn bè thế giới ở Berlin biểu tình phản đối Trung Quốc - Ảnh: Hùng Lý

Hình ảnh hoang tàn, tang tóc của chiến tranh hằn sâu trong ký ức mỗi người đi qua nó, ám ảnh đến mức dù tiếng súng đã dứt mấy chục năm, thi thoảng cảnh bom đạn, chết chóc vẫn hiện về trong giấc mơ giữa thời bình. Tôi tưởng tượng ra rất rõ hình ảnh chị cả tôi ngồi trong thúng mẹ gánh khi tản cư vào Thanh Hóa trong cuộc chiến chống thực dân Pháp qua lời rưng rưng mẹ kể. Cảnh mấy anh em tôi nheo nhóc giữa đêm trên chiếc xe đạp thồ bố mẹ chở tới nơi sơ tán trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhớ đôi mắt trẻ thơ vẫn mở trong veo như còn sống khi tôi đào những căn hầm sập trong vụ B52 rải thảm bom xuống khu tập thể An Dương (Hà Nội) mùa giáng sinh năm nào. Làm sao để thế hệ con cháu mình không phải đắm chìm trong những cuộc chiến tranh tồi tệ đó? “Phải xuống đường phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc".

Chúng tôi cùng bật lên.

Tôi gọi điện cho Lương Cường, người cách đây 3 năm đã cùng với rất nhiều hội đoàn và cá nhân tổ chức thành công buổi xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển Đông. Khi nghe tôi đề nghị tổ chức biểu tình, anh phấn khởi lắm, thông báo là đã có tổ chức cũng đang bàn thảo kế hoạch xuống đường. Vậy chúng tôi không phải là người duy nhất, đã có rất nhiều người không hẹn trước mà cùng chung ý tưởng. Ngày hôm sau đọc lời kêu gọi tôi mới biết, Liên hiệp người Việt toàn liên bang (Đức) cùng với các cơ quan truyền thông, báo chí của cộng đồng đứng ra tổ chức sự kiện này.

Đêm 11.5 ở Berlin, tôi trở dậy cầm lá cờ nhỏ mà tôi đã giữ khư khư từ cuộc biểu tình chống Trung Quốc cách đây 3 năm cũng tại Berlin, để đến với cuộc biểu tình lần này. Còn sớm trước giờ quy định tới nửa tiếng mà đã thấy cả rừng người, cờ và băng rôn, khẩu hiệu trước mặt. Tham gia cuộc biểu tình không phải chỉ có người Việt, các phóng viên báo chí người Việt, mà có cả người Đức, bạn bè quốc tế, cả phóng viên báo chí, nhà quay phim nước ngoài. Không chỉ những người đang sống ở Berlin và vùng phụ cận, mà cả hàng đoàn người có tổ chức đến từ các tỉnh cách nơi tổ chức biểu tình cả 500 - 700 km. Cả đứa trẻ đang nằm trong xe nôi cũng gắn trên trán hình cờ Tổ quốc, cả ông già râu tóc bạc phơ vẫn khư khư trên tay tấm biểu ngữ, mặc mưa gió. Tôi nhìn thấy nhà văn Lê Minh Hà, nhà thơ Thế Dũng, tiến sĩ Trương Hồng Quang, tiến sĩ Phạm Ngọc Kỳ... và hàng ngàn những người Việt cần lao, bình dị khác trong cuộc biểu tình. Đứng giữa biển cờ tại Quảng trường Potsdamer Platz - ngay trung tâm thủ đô Berlin của gần 5 ngàn người có mặt trong cuộc biểu tình, tôi hỏi giáo sư Nguyễn Văn Thoại: “Anh đánh giá thế nào về cuộc biểu tình này?. Không giấu được xúc động, người đứng đầu Liên hiệp người Việt tại CHLB Đức chia sẻ: “Số người tham dự đông ngoài sức tưởng tượng. Thật tự hào và xúc động vì tấm lòng của bà con mình đối với biển đảo quê hương". 

Chen tới bên nghệ sĩ Ái Thanh đến từ Hanover, tôi hỏi: “Em ở xa mấy trăm cây số mà cũng đến tham gia biểu tình à?". “Đến chứ anh. Đến để góp tiếng nói giữ vững biển đảo quê hương. Cả vì những anh bộ đội. Ngày trước em hay lên biên giới hát phục vụ chiến sĩ. Nhìn các anh ấy thương lắm. Em không muốn xảy ra chiến tranh, không muốn những người lính trẻ phải ra trận".

Chính vì màu cờ sắc áo đỏ rực cả một quảng trường rộng lớn, vì số lượng người tham gia biểu tình kỷ lục nhất trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mà nhiều hình ảnh từ cuộc biểu tình ở Berlin hôm 11.5 được phát tán nhanh và rộng khắp thế giới. Cũng từ cuộc biểu tình này xuất hiện những bức ảnh được xem là biểu tượng cho sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa giữ gìn chủ quyền biển đảo của nhân dân ta. Đó là bức ảnh một người đàn ông tham gia biểu tình với cờ Việt Nam trên trán, ảnh Bác cầm trên tay và ảnh một cô sinh viên người Đức đứng giữa quảng trường trong cuộc biểu tình với biểu ngữ bằng tiếng Việt: “Không chiến tranh! Việt Nam yêu hòa bình".

Hùng Lý (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một Việt kiều đang sống và làm việc tại Berlin, CHLB Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.