Mối nguy nhập siêu từ Trung Quốc

14/05/2014 02:30 GMT+7

Dù giá trị xuất siêu với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... liên tục tăng trong những năm qua nhưng vẫn không đủ để bù đắp thâm hụt thương mại với thị trường Trung Quốc.

Dù giá trị xuất siêu với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... liên tục tăng trong những năm qua nhưng vẫn không đủ để bù đắp thâm hụt thương mại với thị trường Trung Quốc.

 Mối nguy nhập siêu từ Trung Quốc
Doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế hàng Trung Quốc - Ảnh: D.Đ.M

Xuất khẩu giùm, tiêu thụ hộ           

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013, có 16 thị trường Việt Nam xuất siêu trên 1 tỉ USD trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường mà VN đạt thặng dư thương mại lớn nhất với 18,64 tỉ USD. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đứng thứ 2 với 3,81 tỉ USD. Tiếp theo là Anh 3,13 tỉ USD, Hồng Kông 3,06 tỉ USD, Campuchia 2,42 tỉ USD, Hà Lan 2,26 tỉ USD, Nhật Bản 2 tỉ USD... Tuy nhiên, do nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn, tới 23,7 tỉ USD nên đã "nuốt" gần như toàn bộ thành tích xuất siêu từ các thị trường này.

Những tháng đầu năm 2014, tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Tổng cục Hải quan cho biết, quý 1/2014 Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ 4,4 tỉ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng trong quý 1, Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc 4,5 tỉ USD.

 

Chúng ta phải bớt vay vốn của Trung Quốc và phải tỉnh táo trong thu hút đầu tư, mua sắm máy móc của Trung Quốc. Chúng ta không thể không hợp tác trong kinh tế với Trung Quốc, nhưng phải tỉnh táo để có một mối quan hệ cân bằng

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương

Điều đáng nói là, với cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về gia công và xuất khẩu, chúng ta thực ra đang xuất khẩu giùm nước này và phần giá trị gia tăng được hưởng rất ít ỏi. Theo Tổng cục Hải quan, cả năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 17,95 tỉ USD hàng dệt may, nhưng phải nhập tới 14,81 tỉ USD, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc 5,56 tỉ USD. Công thức là, Việt Nam nhập nguyên liệu của Trung Quốc về gia công và xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, EU. Ở hoàn cảnh tương tự là điện thoại các loại và linh kiện, Việt Nam xuất được 21,24 tỉ USD cả năm 2013 nhưng phải nhập khẩu 8 tỉ USD, riêng Trung Quốc gần 5,7 tỉ USD...

Không chỉ bán hàng hộ, chúng ta còn tiêu thụ công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2013, Việt Nam nhập từ Trung Quốc tới 36,8 tỉ USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu… Riêng 3 tháng đầu năm, nhóm hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam với tổng trị giá là 1,58 tỉ USD, tăng 29,7%.

Người mua vẫn bị lép vế           

Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu thu mua nguyên liệu thô của Việt Nam và chế biến thành phẩm, thậm chí xuất khẩu ngược trở lại lại thị trường nội địa. Đơn cử như thu mua mủ cao su và xuất khẩu các sản phẩm từ mủ cao su, với giá trị gia tăng cao.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho biết trừ gạo, phần lớn các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc không ký hợp đồng, kể cả xuất khẩu với số lượng lớn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và luôn ở thế bị đối tác Trung Quốc chèn ép, bắt nạt. Còn nhập khẩu các sản phẩm công nghệ, như Samsung Việt Nam nhập tới 21,3 tỉ USD linh kiện của Samsung Trung Quốc về để lắp ráp và sau đó xuất khẩu được 23,3 tỉ USD. Chênh lệch giá trị chẳng là bao.

Theo ông Doanh, một khi Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương), nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu dệt may xuất xứ từ Trung Quốc sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của TPP, vì Trung Quốc không là thành viên. Cho nên, có thể bây giờ là đã muộn nhưng vẫn còn kịp xoay chuyển tình thế trong quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế.

Đối với máy móc, thiết bị, ông Doanh tiết lộ, Việt Nam vay vốn từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc và phải nhập khẩu trang thiết bị lỗi thời hoặc sử dụng nhà thầu nước này. “Chúng ta phải bớt vay vốn của Trung Quốc và phải tỉnh táo trong thu hút đầu tư, mua sắm máy móc của Trung Quốc. Chúng ta không thể không hợp tác trong kinh tế với Trung Quốc, nhưng phải tỉnh táo để có một mối quan hệ cân bằng”, TS Doanh khuyến cáo.

TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia của Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng về lâu dài, Việt Nam cần phải tự túc được khâu nguyên liệu mới giải quyết vấn đề căn cơ. Hàng chục năm nay Việt Nam “đau đầu” chuyện phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng không giải quyết được, nên vẫn duy trì giao thương phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc. Về máy móc, thiết bị, do doanh nghiệp Việt có điều kiện tài chính eo hẹp nên chấp nhận nhập khẩu máy móc Trung Quốc có tuổi đời ngắn, tác động tiêu cực đến môi trường... “Chúng ta nhập khẩu nhiều loại máy móc của Trung Quốc, kể cả thô sơ như máy cày, máy bừa… để sản xuất do giá rẻ. Nhưng như vậy là đang giết chết ngành cơ khí chế tạo của ta vì hàng trong nước không cạnh tranh được”, ông Xuân khẳng định.

N.Trần Tâm

>> Doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,85 tỉ USD
>> Việt Nam nhập siêu 2,13 tỉ USD từ các nước ASEAN
>> Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 10 tỉ USD 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.