Càng manh động, Trung Quốc sẽ càng phá hỏng lợi ích của chính mình

13/05/2014 19:00 GMT+7

(TNO) Chính Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu như nước này tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang tại vùng biển Việt Nam mà Bắc Kinh đang hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép, các chuyên gia hàng hải quốc tế cảnh báo.

(TNO) Chính Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu như nước này tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang tại vùng biển Việt Nam mà Bắc Kinh đang hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép, các chuyên gia hàng hải quốc tế cảnh báo.


Ông Ernest Bower, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington - Ảnh chụp màn hình bản tin DW

Trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục có hành vi gây hấn, phá hoại đối với các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.

Các tàu Trung Quốc bao gồm: tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu hải tuần, tàu ngư chính, tàu kéo cứu hộ, tàu vận tải, tàu dầu và tàu cá vỏ sắt, đang bảo vệ cho hoạt động trái phép, xâm phạm của giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trả lời Thanh Niên Online, các chuyên gia hàng hải quốc tế cho rằng việc thị uy và đe dọa vũ lực luôn được Trung Quốc coi là một lợi thế, trên cả đàm phán và ngoại giao, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Tuy nhiên, khi phải đương đầu với hành vi vi phạm chủ quyền trắng trợn thì các nước khác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả thích hợp, theo đúng luật pháp quốc tế, theo các chuyên gia.

"Nếu tình hình căng thẳng leo thang đến mức Trung Quốc dùng đến vũ lực, điều tất yếu là Bắc Kinh sẽ thấy ngay điều mình không bao giờ muốn trở thành hiện thực: vấn đề biển Đông được quốc tế hóa", tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang - Singapore), nhận định với Thanh Niên Online

"Để căng thẳng leo thang tới mức đó chỉ sẽ cực kỳ tổn hại cho chính quyền lợi của Trung Quốc", ông Graham nói.

"Hiện trạng mới nghiêm trọng"

TS Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ), nhận định với Thanh Niên Online: "Xung đột quân sự ít khả năng xảy ra vì không bên nào muốn bị quy kết là gây hấn trước. Tuy nhiên, viễn cảnh xấu nhất cho tình hình hiện nay là nguy cơ Trung Quốc sẽ dần dà và lặng lẽ chuyển đổi tình trạng hiện nay thành một “hiện trạng mới”. Theo đó, qua thời gian, nếu không gặp bất cứ sự phản đối quyết liệt nào, Trung Quốc sẽ cho rằng các bên liên quan đã vô tình đồng ý với cái họ gọi là “chủ quyền” trên biển Đông".

Ông Vuving cảnh báo: "Với hiện trạng mới này, chẳng những Trung Quốc mặc nhiên xem mình sở hữu phần lớn biển Đông, mà còn nghĩ rằng hầu hết thế giới cũng công nhận điều này. Đây là một viễn cảnh có ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng và khổng lồ đối với chính trị và an ninh trên thế giới".

Với viễn cảnh an ninh và tự do hàng hải biển Đông bị các hành vi của Trung Quốc đe dọa, ông Graham cho rằng "Việt Nam ít nhất cũng sẽ được ủng hộ về mặt ngoại giao từ các bên có quyền lợi liên quan như các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ, Mỹ hay Nhật".

Đồng quan điểm trên, ông Ernest Bower, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, nhận định ngày 13.5: Hành động gây hấn của Trung Quốc với Việt Nam đang khiến các nước trong khu vực lo ngại và cộng đồng quốc tế có thể sẽ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam.

"Việt Nam có thể trông chờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế”, ông Bower trả lời phỏng vấn đài truyền hình  Deusche Welle (DW) của Đức.

“Trong trường hợp này, gần như toàn bộ các nước đều muốn thuyết phục Trung Quốc tham gia vào bộ luật trên biển (Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông - COC) và tuân thủ theo bộ luật này. Nếu điều này không xảy ra, thì khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ bất ổn vì sự hung hăng của Trung Quốc và giao thương, đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, theo ông Bower. 

“Phần lớn các quốc gia đều lo ngại khi một nước lớn dùng sức mạnh kinh tế và quân sự cho lợi ích lãnh thổ của mình, trước thiệt hại của một nước nhỏ hơn”, chuyên gia Mỹ này nhận xét.

Ông cũng bình luận rằng mặc dù tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua đã không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng “lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã dành một thời gian đáng kể để thảo luận nghiên túc về các sự việc gây ảnh hưởng đến tình hình biển Đông, về chiến thuật hiếu chiến mới của Trung Quốc và bàn cách đối phó với điều này”.

“Rõ ràng hành động hung hăng mới đây của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo lắng. Mặc dù ASEAN không thể hiện được sự đoàn kết, nhưng Bắc Kinh thực sự đã khiến ASEAN thức tỉnh và khiến các nước trong khối này xích lại gần nhau”, ông Bower nhận định.

An Điền - Hoàng Uy

>> Mỹ nói thẳng với Trung Quốc: Bắc Kinh 'khiêu khích' trên biển Đông
>> Ngoại trưởng Mỹ lên án hành động ‘hung hăng’ của Trung Quốc ở biển Đông
>> Máy bay do thám Mỹ sẽ theo dõi động thái quân sự Trung Quốc trên biển Đông
>> Mỹ đã làm gì để ngăn sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông?
>> Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.