Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa: Trung Quốc cần tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc

12/05/2014 01:19 GMT+7

PV Thanh Niên đã trao đổi với học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa - cựu thành viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc, từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường chín đoạn" là đường biên giới quốc gia của mình, đồng thời cũng là người từng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.

PV Thanh Niên đã trao đổi với học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa - cựu thành viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc, từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường chín đoạn" là đường biên giới quốc gia của mình, đồng thời cũng là người từng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.


Học giả Lý Lệnh Hoa - Ảnh: NVCC   

Xin chào ông Lý Lệnh Hoa, ông có cho rằng Trung - Việt có thể thông qua giải pháp hòa bình để giải quyết được tranh chấp về vấn đề biển Đông không?

Đúng, tôi tin là vậy. Tôi hy vọng hai nước Trung - Việt có thể giải quyết vấn đề biển Đông trong hòa bình và tôi tin rằng có thể giải quyết được tranh chấp này. Hy vọng người dân hai nước vẫn giữ mãi được tình hữu nghị.

Liên tục trong các ngày 1, 6, 10, 11.5.2014, ông không ngừng viết trên blog của mình những quan điểm về tranh chấp ở biển Đông.

Đúng vậy. Và tôi hy vọng rằng báo giới các nước, gồm cả báo giới Việt Nam nhìn nhận về vấn đề biển Đông một cách khách quan, báo cáo khách quan về tình hình, đồng thời giữ được thái độ hữu hảo với nhân dân Trung Quốc.

 

Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh

Trên blog, tôi từng nhiều lần nói rằng căn cứ theo quy định của khoản 3 điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, tình trạng pháp lý của các đảo cách xa bờ ngày càng thấp. Thực tế cho thấy tác động của rạn san hô đối với bố cục tổng thể của vị trí ranh giới không lớn, hoặc có thể nói là rất thấp. Vì vậy các nước ở biển Đông chỉ có thể thông qua đàm phán hòa bình và tham vấn hòa bình để xác định đường biên giới biển; khai thác các hoạt động tài nguyên khác về ngư nghiệp hoặc dầu khí, có thể cùng nhau khai thác, mới có thể bước vào trạng thái vận hành bình thường. Và như vậy nước nào cũng có thể đạt được lợi ích chung, các bên đều có lợi.

Và theo ông, Trung Quốc cần tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982?

Đúng, Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.

Còn Việt Nam thì sao, thưa ông?

Tôi tin rằng Việt Nam có các chuyên gia nghiên cứu luật biển quốc tế và các cán bộ chuyên gia nghiên cứu hải dương. Đối với luật biển quốc tế hiện đại, họ có nhiều tiến triển, đã xác định được cơ sở lãnh hải, nhận biết được mọi lý thuyết và thao tác trong việc phân định biển hiện đại, nhận thức được mọi vị trí pháp lý của các đảo nhỏ, phù hợp với xu hướng quốc tế.

Như các bạn đã đọc thấy trên mạng gần đây, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cũng tin tưởng rằng vấn đề tranh chấp biển Đông có thể giải quyết êm ấm trong hòa bình, dưới tiền đề hai bên vẫn duy trì được tình hợp tác hữu nghị.

Tôi cũng tin tưởng và ủng hộ thứ trưởng Trình Quốc Bình, cần giải quyết tranh chấp về biển Đông thông qua đàm phán hòa bình. Quan hệ Trung - Việt cần phải được sớm cải thiện và phát triển.

Cám ơn ông.

Trung Quốc tạo ra căng thẳng với ASEAN

GS-TS Dmitry Mosyakov
Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Tình hình căng thẳng tại biển Đông đang gia tăng. Lần này, TQ quyết định bắt đầu cái gọi là “thăm dò dầu khí” tại chính khu vực mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 thuộc chủ quyền của VN.

Không hề có bất kỳ cuộc tham vấn nào với các nước láng giềng, chính quyền TQ tuyên bố về việc này trên trang web chính thức của Cục An ninh hàng hải TQ. Với hành động cụ thể là đặt giàn khoan này, TQ đã đưa ra thách thức nghiêm trọng đối với VN và tiến thêm một bước trong việc leo thang căng thẳng tại khu vực.

Đáp lại, VN yêu cầu TQ chấm dứt việc khoan dầu tại biển Đông. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao VN nêu rõ khu vực mà TQ thiết lập giàn khoan là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Công ty dầu khí quốc gia VN (PetroVietnam) đã yêu cầu phía TQ ngay lập tức chấm dứt “tất cả những hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải VN”. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh tuyên bố đáp trả rằng việc tiến hành khoan là thuộc lãnh hải TQ.

Nhưng tại Bắc Kinh cũng có ý kiến cho rằng việc này hoàn toàn là sai lầm. Nhớ lại sự kiện năm 1992, khi đó chính quyền TQ cũng tuyên bố đã kiểm soát tất cả và ký với Công ty Creston Energy của Mỹ hợp đồng thăm dò và khai thác dầu tại khu vực Tư Chính (phía TQ gọi là Wan’na Bei) thuộc thềm lục địa VN, nằm cách bờ biển VN 250 km và cách đảo Hải Nam 1.300 km. Khi đó các quan chức TQ đã hứa hẹn với đại diện Công ty Creston Energy sẽ “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ TQ” bằng sức mạnh quân sự. Tiếp theo đó tàu “nghiên cứu” của TQ đã đến khu vực tranh chấp. Từ trước đến nay, Bộ Ngoại giao VN vẫn giữ quan điểm cứng rắn và nhất quán khi tuyên bố hợp đồng mà TQ ký với công ty Mỹ đi ngược lại các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của VN, vì vậy hợp đồng này là bất hợp pháp và không có hiệu lực pháp lý. Sau tuyên bố này, VN đã áp dụng những hành động không kém phần cương quyết, đưa tàu hải quân ra tuần tiễu tại khu vực và đẩy đuổi tàu TQ.

Có thể cho rằng, trong tình hình hiện nay VN đủ khả năng thuyết phục nước láng giềng TQ không tiếp tục khiêu khích và từ bỏ các âm mưu của mình.

Hơn nữa, các hành động tương tự của TQ không chỉ làm xung đột thêm căng thẳng, mà còn đi ngược lại các tuyên bố về hình thành quan hệ hợp tác và hữu nghị với các nước ASEAN. Không còn nghi ngờ gì nữa về nguy cơ của cuộc căng thẳng mới do TQ tạo ra trên biển Đông sẽ không được đồng tình và bị coi là mối lo ngại tại tất cả các quốc gia trong khu vực ...

Tác động không có lợi cho TQ nay chính là ấn tượng gây nên bởi các kế hoạch và hành động của họ trong tổng thể quan hệ với VN và đặc biệt là với xã hội VN. Các chính khách có trách nhiệm ở Bắc Kinh, do đó, cần phải đặt trên bàn cân giữa một bên là tìm kiếm dầu khí với các kết quả chưa rõ ràng và bên kia là vòng gia tăng căng thẳng mới cả trong quan hệ với VN, cả trong quan hệ với các nước ASEAN. Lối thoát hợp lý nhất từ tình hình đang diễn biến phức tạp này chính là nằm ở việc TQ phải từ bỏ các công việc thăm dò, nghiên cứu dầu khí để hướng tới đàm phán, giải quyết các vấn đề tranh chấp tại biển Đông.

A.H
(lược dịch)

Lucy Nguyễn
(thực hiện)

>> Tôn trọng luật pháp trên biển Đông
>> Chung tay góp sức hướng về biển Đông
>> Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
>> Mỹ đã làm gì để ngăn sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông?
>> Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.