Thượng đỉnh ASEAN sẽ bàn về tranh chấp biển Đông

09/05/2014 18:45 GMT+7

(TNO) Nước chủ nhà Thượng đỉnh ASEAN thứ 24 Myanmar cho biết biển Đông sẽ là vấn đề an ninh khu vực mà các lãnh đạo sẽ thảo luận trong chương trình ngày 10 và 11.5 tại thủ đô Naypyitaw.

(TNO) Nước chủ nhà Thượng đỉnh ASEAN thứ 24 Myanmar cho biết biển Đông sẽ là vấn đề an ninh khu vực mà các lãnh đạo sẽ thảo luận trong chương trình ngày 10 và 11.5 tại thủ đô Naypyitaw.

>> Hành vi gây hấn của Trung Quốc sẽ làm nóng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN
>> Thượng đỉnh ASEAN trước thách thức biển Đông

Thượng đỉnh ASEAN sẽ bàn về tranh chấp biển Đông d
Cờ Việt Nam và các quốc gia ASEAN tung bay ở Naypyitaw trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh ASEAN - Ảnh: Thục Minh

Đó là khẳng định của Vụ trưởng vụ ASEAN của Bộ Ngoại giao Myanmar Aung Lin với báo New Light of Myanmar ngày 9.5.

Bên cạnh vấn đề tranh chấp ở biển Đông, hội nghị cũng sẽ thảo luận về Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Vụ trưởng Aung Lin cho biết thêm.

TAC ra đời năm 1976 - hiện có 27 thành viên gồm cả Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU... bên cạnh 10 quốc gia ASEAN - yêu cầu các quốc nước tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Trung Quốc tham gia TAC năm 2003, sau khi ký với ASEAN Tuyên bố các bên về Ứng xử biển Đông DOC một năm trước đó.

Việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ là hành động “trái ngược với tinh thần và lời văn DOC”, “hung hăng” và có tính “khiêu khích”, theo nhận định của nhiều chính khách và nhà quan sát quốc tế.

Philippines, Việt Nam sẽ lên tiếng

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng rằng ông sẽ đưa việc Trung Quốc gần đây có nhiều hoạt động gây hấn trên biển Đông với Manila, đồng thời gia tăng đánh bắt thủy sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, ra trước Thượng đỉnh ASEAN. 

Trong khi đó, một nhà ngoại giao cũng nói với Thanh Niên Online rằng Việt Nam sẽ đưa hành động của Trung Quốc ra trước hội nghị.

Hãng tin Kyodo ngày 9.5 cũng trích lời một quan chức ngoại giao khác phát biểu: “Chúng ta không thể chấp nhận những hành động gây hấn làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông này”.

Vai trò nước chủ nhà

Về phía nước chủ nhà, trả lời Thanh Niên Online rạng sáng nay, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Myanmar sẽ thể hiện sự đồng thuận trong ASEAN” về vấn đề biển Đông.

Chuyên gia về tình hình chính trị - an ninh khu vực này giải thích: “Myanmar đã được tưởng thưởng cho sự cởi mở chính trị của mình bằng việc được trao ghế Chủ tịch ASEAN 2014”.

Vì vậy, “nước này có động lực để thể hiện một vai trò chuyên nghiệp trong tư thế nước chủ tịch để còn nhận thêm những tưởng thưởng khác từ phương Tây”, ông Thayer nói.

Tuy vậy, giáo sư Thayer “không kỳ vọng Naypyitaw sẽ quá sốt sắng” trong vấn đề này, do “áp lực từ Bắc Kinh muốn các vấn đề về biển Đông bị chìm đi”.

Chương trình hội nghị

Chương trình hội nghị chính thức bắt đầu với các cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao bàn các vấn đề chính trị - an ninh vào sáng mai 10.5, và theo sau là cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đến Naypyitaw tối nay, một cán bộ ngoại giao Việt Nam nói với Thanh Niên Online.

Trong khi đó, các nguyên thủ ASEAN sẽ lần lượt đến Naypyitaw trong ngày 10.5 để dự tiệc tối trước khi các cuộc họp thượng đỉnh chính thức diễn ra trong ngày 11.5. Chương trình ngày 11.5 sẽ bắt đầu bằng lễ khai mạc với diễn văn của Tổng thống Myanmar Thein Sein.

Theo sau là các phiên họp toàn thể và họp hẹp giữa các lãnh đạo; các cuộc họp với các đại diện Tổ chức Dân sự và các đại diện thanh niên ASEAN. Được biết, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến Naypyitaw chiều 10.5.

Trước đó, trong hai ngày 8 và 9.5, quan chức ngoại giao cấp cao của các quốc gia thành viên đã tiến hành một loạt cuộc họp trù bị, chuẩn bị nội dung và văn kiện cho các cuộc họp cấp bộ trưởng và nguyên thủ ngày 10, 11.5.

Nước chủ nhà đặt các cuộc họp trù bị này ngoài tầm quan sát của báo chí. Một quan chức ngoại giao không muốn nêu tên tiết lộ rằng các cuộc họp này cũng “rất gay go”.

Thục Minh
 (từ Naypyitaw, Myanmar)

>> Vụ giàn khoan HD-981: Trung Quốc ngang ngược nói tàu Việt Nam tông tàu nước này 171 lần
>> Trung Quốc dùng giàn khoan HD-981 để cố ôm các tuyên bố chủ quyền phi lý
>> Đưa giàn khoan phi pháp vào biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam 'can thiệp
>> Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông
>> Điện đàm cấp cao về việc giàn khoan Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.