Dư luận nước ngoài quan ngại hành vi 'gây hấn' của Trung Quốc ở biển Đông

08/05/2014 12:55 GMT+7

(TNO) Dư luận nước ngoài đồng loạt bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương “gây hấn” của Trung Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, sau khi chính thức có thông tin tàu Trung Quốc đâm và bắn nước vào tàu Việt Nam trên vùng biển Việt Nam mà Bắc Kinh đặt giàn khoan trái phép.

(TNO) Dư luận nước ngoài đồng loạt bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương “gây hấn” của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, sau khi chính thức có thông tin tàu Trung Quốc đâm và bắn nước vào tàu Việt Nam trên vùng biển Việt Nam mà Bắc Kinh đặt giàn khoan trái phép.

 
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngày 3.5 vừa qua - Ảnh: Tư liệu

“Quyết định của Trung Quốc về việc đặt giàn khoan ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông”, theo thông cáo của Thượng nghị sỹ John McCain đăng tải trên trang mccain.senate.gov.

“Các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là một ví dụ điển hình cho hành vi hung hăng trên biển” và Trung Quốc phải  chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương này, theo ông McCain.

Ông McCain cho rằng hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vốn được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế; trong khi đó, các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh lại không dựa không trên cơ sở luật pháp quốc tế nào.

“Tất cả các quốc gia liên quan nên có trách nhiệm lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiến hành những bước nhằm hạ nhiệt căng thẳng”.

Trong cuộc họp báo ngày 7.5, Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tái khẳng định quan điểm của Mỹ: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển nói trên là “gây hấn và vô ích” đối với an ninh trong khu vực, theo Reuters.

“Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách ứng xử và sự đe dọa nguy hiểm của những chiếc tàu. Chúng tôi kêu gọi các bên có cách ứng xử phù hợp và an toàn, kiềm chế và giải quyết vấn đề tuyên bố chủ quyền một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và tuân theo luật quốc tế”, bà Psaki nói.

Nhật Bản cũng hòa giọng với đồng minh Mỹ lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh.

“Tôi xem vụ việc này như một ví dụ điển hình cho những hành động khiêu khích tự phát và liên tục trên biển của Trung Quốc”, Bloomberg dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại Tokyo.

“Trung Quốc cần phải giải thích rõ ràng các hành động của nước này cho phía Việt Nam và cho cộng đồng quốc tế. Hòa bình và ổn định tại biển Đông là vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm và vấn đề này cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại”, ông Suga cho hay.

Website của đài Channel News Asia (Singapore) dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Singapore ngày 7.5 cho biết Singapore quan ngại về tình hình ở biển Đông sau vụ tàu Trung Quốc đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam ở biển Đông.

Singapore kêu gọi các bênh tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cần phải giải quyết các vấn đề tranh trấp chủ quyền lãnh thổ theo phương thức hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), theo thông cáo trên.

Bộ Ngoại giao Singapore cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thống nhất và đưa ra Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Trước khi chính thức có thông tin tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, ngày 7.5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng bày tỏ quan ngại về những tuyên bố chủ quyền trên biển Đông mang tính chất "đơn phương", nhân chuyến thăm chính thức đến trụ sở chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ở Brussels (Bỉ).

"Trên biển Đông, đang có một loạt các hành động dựa trên những tuyên bố [chủ quyền] đơn phương, và ý thức phòng vệ đang ngày một gia tăng giữa các nước trong khu vực", tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời ông Abe.

Ông Abe cũng chỉ trích sự bành trướng quân đội và những hành động gây hấn của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông, theo hãng tin Jiji (Nhật Bản).

Ám chỉ Trung Quốc, ông Abe cho biết: “Thường xuyên có những động thái dùng vũ lục để thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông và biển Đông”.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết việc Trung Quốc triển khai giàn khoan là nhằm phản ứng lại chuyến công du 4 nước châu Á gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo AFP.

Trong chuyến công du này, ông Obama đã khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines. Philippines cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông.

Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng nào trước vụ tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam, nhưng nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 7.5 cho rằng giàn khoan của Trung Quốc không liên quan gì đến Mỹ hoặc Việt Nam.

Reuters dẫn lời một quan chức ngành dầu mỏ ở Trung Quốc cho rằng giàn khoan Trung Quốc rõ ràng là một quyết định chính trị chứ không phải vì mục đích thương mại.

“Đây phản ánh ý định của chính quyền và nó cũng có liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á”, vị quan chức giấu tên này cho biết.

Wu Shicun, chủ tịch Học viện quốc gia về nghiên cứu biển Đông, cho Reuters biết chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục kế hoạch đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.

Giàn khoan HD-981 được biết với cái tên Haiyang Shiyou-981, gọi theo tiếng Việt là Hải Dương-981 (HD-981) hay CNOOC 981, chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9.5.2012, theo Tân Hoa xã.

CNOOC 981 bắt đầu tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một khu vực trên biển Đông, cách Hồng Kông 320 km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 m.

Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu USD) cho CNOOC 981, còn được gọi là “siêu giàn khoan”. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã mất trên 3 năm mới hoàn tất giàn khoan CNOOC 981 - vốn nằm trong tham vọng khai thác dầu khí ở biển Đông của Bắc Kinh.

CNOOC 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn, với diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m.

“Những giàn khoan biển sâu lớn là vũ khí chiếc lược của chúng tôi trong việc xúc tiến phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ xa bờ”, chủ tịch CNOOC Wang Yilin cho biết vào năm 2012.

Biển Đông ước tính có 23 - 30 tỉ tấn dầu mỏ và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên, theo Tân Hoa xã.

Phúc Duy

>> Mỹ quan ngại hành vi dọa nạt 'nguy hiểm' của tàu Trung Quốc trên biển Đông
>> Kiên trì, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam
>> Cận cảnh tàu Trung Quốc ngang ngược đâm vào mạn tàu Việt Nam
>> Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.