Lấy chồng châu Á: Riêng tư trong cõi chung

07/05/2014 03:15 GMT+7

Cô vợ Việt đứng như trời trồng khi người chồng Hàn Quốc dứt khoát không đồng ý để mẹ và em gái cô ở chung nhà trong thời gian em cô từ quê lên Sài Gòn chuẩn bị thi đại học.

Lấy chồng châu Á: Riêng tư trong cõi chung d
Minh họa: DAD 

“Mẹ và em của em chỉ ở đây 1 tháng chứ có phải ở hoài đâu, chẳng lẽ anh không thể vì em được hay sao? Nhà mình rộng mà, em thấy có gì bất tiện đâu…”, trước thái độ kiên quyết của chồng, Linh đành xuống nước nài nỉ. Trước đó, cô đã “lỡ” mời mẹ và em đến nhà ở mà không bàn trước với chồng vì thấy anh vốn khá dễ tính, lại tỏ ra rất quý gia đình cô. Trước sự nhiệt tình của con gái, mẹ cô đã vui vẻ nhận lời, trước là để cơm nước cho cô út đi thi đại học, sau là ở chơi với con gái và con rể.

“Những chuyện có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt và sự riêng tư của gia đình thế này lẽ ra em phải bàn trước với anh. Anh rất vui khi mẹ và em gái đến chơi, nhưng ở lại cả tháng thì mình phải xem xét. Sự có mặt của người khác trong thời gian lâu như thế trong nhà mình làm anh thấy không thoải mái”, chồng Linh thẳng thắn. Linh suýt khóc: “Vậy anh bảo em phải làm thế nào, chẳng lẽ nói với mẹ là chồng con không muốn cho mẹ ở chung?”. “Thôi thế này, em cứ mời mẹ đến ở nhà mình khoảng 3 - 4 ngày, anh sẽ tìm thuê một chỗ trọ có đầy đủ tiện nghi ở gần đây để mẹ và em gái em ở trong thời gian còn lại để em và mẹ đi qua đi lại cho tiện”. Linh đành gật đầu, cô hiểu rằng trong chuyện này chồng cô đã cư xử hợp lý, và cô sẽ phải học cách tôn trọng nhu cầu riêng tư của chồng. Nhưng lòng cô rối bời, cô không biết mình sẽ giải thích thế nào với mẹ và em về cái khái niệm “ảnh hưởng tới sinh hoạt và sự riêng tư” vốn xa lạ với người dân ở vùng quê cô.

“Khi nào cần anh sẽ nói”

Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, khá nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Nhật đã chia sẻ rằng một trong những đặc điểm nổi bật của chồng Nhật là ít tâm sự, chia sẻ chuyện công việc và cảm xúc hằng ngày với vợ, không phải vì họ không yêu hay tin tưởng vợ, mà “tính anh ấy vốn thế, khi nào cần sẽ nói, vợ không cần hỏi nhiều”. Có những người vợ hiểu và chấp nhận nhưng đôi lúc không khỏi cảm thấy cuộc sống vợ chồng “lành lạnh” dù biết chồng vẫn yêu mình.

Khi còn ở VN, Hà vốn sôi nổi, hoạt bát, nhưng sau 5 năm ở Nhật cô trở nên điềm đạm hơn, phong thái, cử chỉ nhẹ nhàng, khá giống với những phụ nữ Nhật mà tôi có dịp tiếp xúc. Hà cho biết: “Có lẽ mình bị ảnh hưởng từ phụ nữ Nhật. Họ nhẹ nhàng, chu đáo, sẵn sàng giúp đỡ mình, nhưng luôn giữ một khoảng cách nào đó, nên tìm một người bạn thân ở đây thật sự rất khó”. Mẹ chồng cô cũng không dễ dàng cởi mở với con dâu dù Hà rất cố gắng xích lại gần bà. Sau này, chồng cô cho biết, những biểu hiện mà Hà cho là “không cởi mở” ấy thực ra lại rất bình thường ở người Nhật, họ khá dè dặt trong việc kết thân với người khác.

“Thế còn chồng bạn thì sao, anh ấy cởi mở chứ?”, tôi hỏi. Hà mỉm cười: “Trước kia thì không, giờ đỡ nhiều rồi”. Hà cho biết, trước khi kết hôn cô cũng đã tìm hiểu về đàn ông Nhật và cũng lo lo “qua bên đó mình không có bạn bè người thân ở cạnh, chồng lại không cởi mở nữa thì buồn chết mất”. Thế nên ngay trong giai đoạn đang yêu nhau thắm thiết ở Việt Nam, cô đã cố gắng tập cho người chồng tương lai thói quen kể cho cô nghe những sự việc xảy ra trong ngày của anh;  thường xuyên chủ động trò chuyện, tâm sự với anh, hỏi han anh một cách khéo léo… “Tất nhiên, mình hiểu rằng không phải chuyện gì chồng cũng kể với mình, có những lúc anh ấy gặp khó khăn trong công việc mà mãi sau này mình mới biết, nhưng giờ mình cũng thấy vui khi nghe chồng bảo anh ấy có 2 cách để giảm stress là đi uống bia cùng đồng nghiệp và về nhà nói chuyện với vợ” - Hà khoe.

Xuyên Vân

 >> Đôi vợ chồng 'điêu khắc
 >> Hạnh phúc của cặp vợ chồng mắc bệnh Down

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.