Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: 'Sách nước mình không giống ai'

05/05/2014 02:05 GMT+7

Nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm bài Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa trên Thanh Niên và đề xuất nhiều ý kiến cụ thể cho lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa tới.

Nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm bài Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa trên Thanh Niên và đề xuất nhiều ý kiến cụ thể cho lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa tới.

Sách giáo khoa
 Theo nhiều chuyên gia, hầu hết sách giáo khoa của các nước đều rất dày nhưng kiến thức không hề nặng. Trái lại, sách giáo khoa hiện nay ở VN rất mỏng nhưng kiến thức vừa thừa vừa thiếu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Vẫn có cách làm tốt mà ít tiền
>> Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Bộ GD-ĐT không nói được chi tiền vào đâu
>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Hơn 34.000 tỉ đồng, chỉ toàn khẩu hiệu !

Đừng “đánh lừa thiên hạ”

Một trong những vấn đề tranh cãi lâu nay xung quanh việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) là có nên làm mỏng SGK để dư luận khỏi kêu chương trình giáo dục nặng nề, quá tải, như lâu nay vẫn làm hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xóa bỏ quan niệm đó trong lần thay sách tới đây. 

GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Quyển SGK toán ở phổ thông hiện nay quá mỏng là một thảm họa. Việc quá mỏng ấy, trong giới chuyên môn với nhau nói rằng đó là đánh lừa thiên hạ. Ở trong đấy không có cơ hội tạo ra môi trường trải nghiệm hình thành và kiến tạo kiến thức”.

Còn GS Nguyễn Lân Dũng, Hội Sinh học VN, nhiều lần khẳng định rằng ở nước ngoài SGK rất dày nhưng kiến thức thì không hề nặng, trái lại họ dạy cho học sinh phổ thông những gì thiết thực và gần gũi với cuộc sống nên việc học trở nên nhẹ nhàng và hữu ích. GS Lân Dũng nói: “Đi nước nào tôi cũng mua SGK phổ thông, hiện nay tôi có chừng 70 cuốn SGK sinh học của các nước và tôi giật mình thấy SGK của nước mình không giống với SGK của bất cứ nước nào”. Ông Dũng phân tích, trong chương trình giáo dục phổ thông ở Pháp, thay vì dạy về dương xỉ, mộc bá, cấu tạo dây thần kinh của thằn lằn, dây thần kinh thỏ... như chúng ta thì họ dạy những khái niệm rất chung như thần kinh từ vi khuẩn đến người, dinh dưỡng từ vi khuẩn đến người... “Còn những thứ mình dạy là vấn đề của những nhà nghiên cứu, của trình độ đại học”, ông Dũng kết luận.

Nêu dẫn chứng từ mô hình giáo dục của Nepal, một nước rất nghèo hơn cả VN, GS Dũng nói: “Tôi mua 2 cuốn SGK lớp 11 và lớp 12 mỗi cuốn 700 trang, viết rất hay. Với số lượng trang như vậy chắc học sinh của họ không cần phải học thêm gì nữa”. 

Nhóm làm chương trình độc lập với nhóm viết sách

Một hạn chế từ những lần thay sách trước mà lần này ngành GD-ĐT nước ta vẫn phải tiếp tục đối mặt, đó là chưa có đội ngũ chuyên nghiệp làm chương trình - SGK.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên một số SGK, cho rằng với thời gian cập rập như hiện nay, chắc chắn Bộ GD-ĐT không kịp xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp. “Nếu đặt vấn đề huy động nhiều lực lượng trong xã hội tham gia xây dựng chương trình - SGK thì phải bằng lòng với giải pháp xây dựng bộ khung cán bộ chuyên nghiệp ở ban chỉ đạo, còn lại thì huy động nhân lực theo khả năng và chất lượng sản phẩm của họ”, GS Thuyết đề xuất.

Để khắc phục cách làm chương trình theo kiểu cắt khúc như vừa qua, theo GS Thuyết, giải pháp chắc chắn phải là xây dựng chương trình tổng thể cùng lúc, dưới sự chỉ đạo của cùng một “tổng công trình sư”.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Việc làm SGK phức tạp hơn nhiều vì cần có sự phối hợp của nhiều người. Phối hợp như thế nào cần được thiết kế trước. Theo thông lệ quốc tế thì cần có hai nhóm độc lập, một nhóm làm chương trình, một nhóm viết sách. Nhóm làm chương trình thẩm định công việc của nhóm viết sách; nhóm viết sách phản biện lại nhóm làm chương trình trên cơ sở những bất cập gặp phải trong quá trình viết sách”.

GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất đội ngũ những người xây dựng chương trình và biên soạn SGK cần có sự kết hợp giữa các thầy ở ĐH với phổ thông, chọn lựa những người không những rất giỏi về chuyên môn mà phải rất giỏi cả về kỹ năng sư phạm. Như vậy, các tác giả vừa có trình độ khoa học cao, nắm bắt được những vấn đề cơ bản và hiện đại, đồng thời có thể vận dụng phù hợp với tâm lý và khả năng tư duy của học sinh phổ thông. “Có như vậy, SGK mới dễ đi vào với các em và được các em chấp nhận”, GS Ninh nói.

GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo Dục VN, đề nghị: “Thời gian dành cho việc biên soạn chương trình dài hơn, bố trí lực lượng hùng hậu hơn, kinh phí, tư liệu tham khảo nhiều hơn, lấy ý kiến rộng rãi hơn đặc biệt ở 3 đối tượng: giáo viên giỏi, nhà khoa học, nhà quản lý”.

Thành lập trại viết SGK

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị tổ chức “trại viết SGK”. Ở đấy, các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính, tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho việc viết SGK.

Theo PGS Cương, làm việc tại trại viết SGK tập trung, các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau, ngoài ra còn có thể trao đổi với nhóm tác giả các cuốn khác cùng môn ở lớp dưới, lớp trên hoặc với tác giả các môn lân cận. Trại không chỉ tập trung tác giả viết sách mà còn là nơi làm việc của các biên tập viên, nhà thẩm định theo từng đợt. “Tôi tin rằng, làm việc theo cách này thì sẽ nhanh ít nhất là gấp 10 lần theo cách làm việc trước đây”, PGS Cương khẳng định. 

Theo GS Đinh Quang Báo, thường trực Ban Chỉ đạo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng tri thức từng môn học là riêng rẽ nhưng vào đầu học sinh lại là tích hợp nên các tác giả SGK cần phải chia sẻ trao đổi với nhau trong quá trình viết sách. “Việc tập trung dĩ nhiên là gặp khó khăn, nhưng lần này tôi thấy lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặc biệt bộ trưởng hơn một lần đã nhấn mạnh tới việc phải có thời gian tập trung để viết SGK nên chắc chúng ta sẽ có điều kiện để làm”, GS Báo nói.

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.