Sau vẫn như trước

01/05/2014 03:10 GMT+7

Cuộc bầu cử ngày 30.4 ở Iraq có 2 điều khác biệt so với các lần trước. Thứ nhất, đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước này sau khi quân đội Mỹ triệt thoái. Thứ hai, 21 triệu cử tri được kêu gọi đi bầu quốc hội và chính phủ mới nhưng thực ra cục diện chính trường và chính trị xã hội ở đây vẫn sẽ chẳng khác gì trước đó.

Không chỉ bạo lực và khủng bố vẫn tiếp diễn mà cả sự phân rẽ giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo, thậm chí đi cùng với tình trạng cát cứ lãnh thổ, vẫn tồn tại, nếu như không muốn nói là ngày càng sâu sắc. Hòa hợp và hòa giải dân tộc không những không được thực hiện mà còn không còn được phe phái chính trị nào thực sự thành tâm theo đuổi. Chính thể mới ở Iraq do Mỹ dựng lên sau chiến tranh và được tiếng là đã được hợp pháp hóa bằng mấy lần bầu cử lại không đủ khả năng để bình ổn tình hình trong phạm vi cả nước. Tham nhũng và lạm dụng quyền lực khiến chính phủ ngày càng mất uy tín.

Thủ tướng Nouri al-Maliki trụ được lâu đến vậy và vẫn có nhiều triển vọng tiếp tục cầm quyền là nhờ phe đối lập vừa yếu lại vừa không thống nhất cũng như ở nước này chưa thấy có lựa chọn thay thế nào khả dĩ hơn. Từ đó có thể thấy cuộc bầu cử quốc hội lần này không giải quyết được những vấn đề đang đặt ra cho Iraq về an ninh và ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và hòa hợp dân tộc, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập khu vực. Triển vọng tương lai nước này sau bầu cử vẫn đầy khó khăn như trước đó.

La Phù

>> Iraq mua 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ của Czech
>> Ả Rập Xê Út và Qatar bị tố “tuyên chiến” với Iraq
>> Iran ký kết thỏa thuận bán vũ khí cho Iraq
>> Iraq muốn mua 24 trực thăng chiến đấu Apache
>> Giao tranh dữ dội ở Iraq, al-Qaeda chiếm một thành phố
>> Al-Qaeda thắng thế ở nhiều thành phố của Iraq

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.