Tiệm vàng nào được phép mua bán ngoại tệ?

28/04/2014 15:30 GMT+7

(TNO) Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, cho hay điều kiện để tiệm vàng được cấp phép thu đổi ngoại tệ được thể hiện trong Quyết định 21 do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

(TNO) Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, cho hay điều kiện để tiệm vàng được cấp phép thu đổi ngoại tệ được thể hiện trong Quyết định 21 do Ngân hàng Nhà nước ban hành.


Người dân nên vào ngân hàng hoặc đại lý thu đổi ngoại tệ để giao dịch nhằm tránh vi phạm quy định - Ảnh: D.Đ.Minh

“Các tiệm vàng được phép thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM không nhiều. Chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, Quyết định 21 không quy định vốn đối với các điểm mua bán ngoại tệ nhưng các điểm này phải đặt ở nơi đông người nước ngoài qua lại như cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn từ 3 sao trở lên, cửa khẩu, sân bay; khu vui chơi giải trí dành riêng cho người nước ngoài, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài mua sắm…

Ông Minh cho biết thêm, ngoài các ngân hàng, hiện ở TP.HCM có 73 điểm được cấp phép thu đổi ngoại tệ, chủ yếu là ở sân bay, hải cảng và khách sạn từ 3 sao trở lên. Chỉ 1 - 2 tiệm vàng được phép thu đổi ngoại tệ ở trung tâm thành phố.

Ngoài ra, quy định cũng bắt buộc các điểm thu đổi ngoại tệ phải niêm yết giá bán ngoại tệ đúng với giá mà Ngân hàng Nhà nước niêm yết. Hằng tháng các điểm thu đổi ngoại tệ phải bán ngoại tệ thu đổi được cho các ngân hàng.

Tại sao không cấp phép thu đổi ngoại tệ cho các tiệm vàng để người dân dễ giao dịch, ông Minh nói: “Các điểm này chủ yếu để phục vụ nhu cầu mua bán ngoại tệ cho người nước ngoài. Còn người dân có nhu cầu mua bán ngoại tệ có thể đến các ngân hàng. Hiện ở TP.HCM, các ngân hàng thương mại, cổ phần có khoảng 2.000 điểm giao dịch, mua bán ngoại tệ”.

Ít doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng

Về điều kiện kinh doanh vàng miếng, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho hay theo Nghị định 24 về hoạt động, quản lý kinh doanh vàng, để được xét cấp phép doanh nghiệp phải có vốn điều lệ trên 100 tỉ đồng, có ba chi nhánh ở ba tỉnh thành, có 2 năm kinh nghiệm trong kinh doanh, mua bán vàng.

Ngoài ra, trong 2 năm liên tiếp gần nhất, doanh nghiệp phải đóng thuế 500 triệu đồng liên quan đến kinh doanh vàng, có xác nhận của cơ quan thuế.

Đối với ngân hàng, để được cấp phép kinh doanh vàng miếng, ngoài việc yêu cầu đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, ngân hàng có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên, có mạng lưới chi nhánh ở 5 tỉnh thành.

Theo ông Dưng, hiện ở TP.HCM có hơn 1.000 điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp phép được kinh doanh vàng miếng, chủ yếu đều là của ngân hàng.

Còn của tư nhân, chỉ có các công ty như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty vàng bạc đá quý thuộc Ngân hàng Nông nghiệp, tiệm vàng Kim Ngọc Phú (quận 6), tiệm vàng Mi Hồng (Bình Thạnh) được kinh doanh vàng miếng.

“Việc ít doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng không phải do vốn điều lệ mà do quy định phải có 3 chi nhánh ở 3 tỉnh thành và thuế kinh doanh vàng miếng. Hiện có rất ít doanh nghiệp kinh doanh vàng ở TP.HCM có khả năng đóng đủ thuế như quy định”, ông Dưng nói.

Trung Hiếu

>> Kiểm tra các đại lý thu đổi ngoại tệ
>> Tịch thu ngoại tệ mua bán trái phép

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.