Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 6: Gặp Trịnh Công Sơn

26/04/2014 03:00 GMT+7

Tháng 6.1975, từ Đà Nẵng, tôi với Ngô Thế Oanh và Trần Vũ Mai quyết định lang thang ra Huế thăm anh Đồng.

>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 5: Bia hơi Hà Nội
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 4: Nhà thơ thử nói về hạnh phúc
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 3: Cơm rang và Trăng con

Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 6: Gặp Trịnh Công Sơn  
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (trái) và nhà thơ Thanh Thảo - Ảnh: Trần Đăng

Cùng đi chiến trường nhưng khác địa bàn, anh Đồng (nhà văn Nguyễn Văn Đồng) đi Trị Thiên, tôi đi Nam bộ, Oanh và Mai đi khu Năm, nên coi như chúng tôi xa nhau 5 năm. Trong 5 năm ấy, chúng tôi hoàn toàn không có tin tức gì về nhau. Cho tới hòa bình. Cũng tình cờ mà tôi gặp Ngô Thế Oanh ở Sài Gòn. Còn Trần Vũ Mai, một bữa tôi gặp hắn trên phố Sài Gòn, trông dáng rất “bụi”, cứ như… con trai của Hemingway vậy! Thần tượng của Mai là Hemingway và Trần Mai Ninh, và Mai rất muốn sống, chiến đấu giống như họ, trong chiến tranh. Còn bây giờ đã hòa bình, thì hình ảnh rất ấn tượng khi Hemingway lái xe  jeep “lùn” vào một thành phố nào đó ở Tây Ban Nha hay sau này là Paris, uống whisky “sec” ở một quầy bar bùi bụi, cứ ám ảnh Trần Vũ Mai. Sài Gòn lúc ấy cũng không thiếu những quầy bar như vậy. Chỉ tiếc không có Hemingway thôi.

Gặp anh Đồng ở An Cựu, Huế, việc đầu tiên mấy anh em tôi làm là… nhào xuống sông An Cựu để bơi. Nước sông An Cựu hồi ấy khá trong và chúng tôi mặc sức vùng vẫy. Trên bờ, anh Đồng có Quang Hà giúp sức, lặng lẽ chuẩn bị bữa nhậu mừng hội ngộ. Anh Đồng có tài làm các món nhậu, giản dị nhưng rất ngon, rất “bắt” rượu. Chúng tôi uống từ trưa tới tối. Còn Trần Phá Nhạc, nhà thơ nổi tiếng trong phong trào tranh đấu, hiện là nhà báo Giao Hưởng, thì cung cấp rượu thuốc “Thiên Tường”, loại rượu ngon tại một quán nổi tiếng ở Huế. Trời tối thì có thêm Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và vài ba anh em Huế nữa tới. Bữa rượu càng hào hứng. Tôi với Oanh vốn hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn từ trước nên rất vui khi được hầu tiếp ông nhạc sĩ lừng danh này. Hôm sau, tôi, Oanh và Mai đi lang thang ra Đập Đá - Vĩ Dạ. Ở đó có một quán chè rất đẹp, trước cửa quán có bụi trúc thân vàng lá xanh. Chúng tôi tấp vào quán ăn chè. Chè Huế, có tới hơn mười loại, mà loại nào cũng lạ, cũng ngon. Tuy là dân nhậu không hảo ngọt, nhưng chè ngon quá, mấy anh em chúng tôi ăn một hơi mỗi thằng năm, sáu ly. Nhìn Trần Vũ Mai cắm cúi ăn chè bên bụi trúc, mặt lại vuông chữ điền, tôi chợt nhớ câu thơ Hàn Mặc Tử, bèn đọc tặng Mai: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Biết đâu, mấy mươi năm trước, Hàn Mặc Tử cũng từng ngồi ở… quán chè này, cũng ăn nhiều loại chè Huế, và viết bài thơ bất tử Đây thôn Vĩ Dạ.

Hồi vừa giải phóng, có lần tôi gặp Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn, trong một cuộc biểu diễn âm nhạc cách mạng. Tôi thấy anh Sơn khá trầm lặng và hơi rụt rè. Lúc bấy giờ, nghe nói một số anh em hoạt động phong trào và nhất là một số “nhà cách mạng 30.4” vốn là sinh viên Sài Gòn, đăng đàn công kích nhạc Trịnh Công Sơn ghê lắm. Mặc họ, tôi với Ngô Thế Oanh, được ông bạn Minh “Vồ” (nhà văn Thái Thành Đức Phổ - biên tập viên Nhà xuất bản Giải Phóng) cấp cho một cái cassette tuy cũ nhưng nghe còn tốt, chúng tôi kiếm được vài băng nhạc Trịnh, thế là mở nghe suốt ngày. Đi đâu cũng mang cái cassette theo và chỉ mở độc băng nhạc Trịnh, hình như là Ca khúc da vàng hay gì đó, nhạc phản chiến. Nói như bây giờ thì chúng tôi là “fan” của nhạc Trịnh hồi ấy. Mà không chỉ chúng tôi, những người trực tiếp tham gia kháng chiến mê nhạc Trịnh. Nhiều anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào Sài Gòn lúc ấy đều mê nhạc Trịnh. Nhờ thế, cái cassette chuyên mở nhạc Trịnh của tôi với Oanh rất đắt hàng, được khối người nghe. Gặp Trịnh Công Sơn ở bữa rượu nhà anh Đồng, đã vui rồi. Nhưng hôm ấy say quá, nên mọi thứ chỉ nhớ lờ mờ. Có điều tôi biết, anh Sơn hôm ấy rất vui. Khi chơi với nhau, anh hay kể lại bữa rượu hôm đó, một bữa rượu đậm chất “Thủy hử”.

Sau này, từ 1976 tới 1978, nhóm tôi, Oanh và Thu Bồn, chơi khá thân thiết với Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức ra Huế… nhậu với anh Sơn. Lâu lâu Trịnh Công Sơn lại bắt xe đò vào Đà Nẵng nhậu với chúng tôi. Cũng chỉ biết lấy vậy làm vui. Hồi ấy Trịnh Công Sơn tuy sống ở quê nhà Huế của mình, nhưng cũng khổ. Không phải khổ vì thiếu đói như chúng tôi, nhưng vẫn khổ. Vì các bậc lãnh đạo văn hóa Huế vẫn “hơi bị” thành kiến với anh. Nhưng cũng phải nói thật, anh Trịnh Công Sơn vẫn được Huế rất kính trọng, dù là người dân hay anh em văn nghệ sĩ. Trong hoàn cảnh đó, theo tôi, cũng là tốt rồi. Mọi người sống trên đời này đều phải đối xử tốt với nhau, ưu ái với nhau. Khi nghĩ tới nhân loại, thì tôi tin âm nhạc Trịnh Công Sơn đã và sẽ được nhân loại đón nhận. Nhân loại vẫn thích nghe những dòng nhạc như thế, bất chấp bao thay đổi. Không phải vì đề cập tới chiến tranh hay thân phận con người, nhạc Trịnh Công Sơn mới vào được lòng người. Những bài hát như Nối vòng tay lớn hay Huyền thoại mẹ là những bài yêu nước, nhưng chất riêng tư của con người trong đó rất cao, vẫn được đón nhận bởi người Việt và không phải người Việt. Năm 1979 anh Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn, trên đường đi có ghé Đà Nẵng chơi với nhóm chúng tôi. Lại làm mấy xị rượu thuốc, mồi nhậu là mấy cục chân giò bò gân, đạm bạc nhưng rất vui.

Thanh Thảo 

>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 5: Bia hơi Hà Nội
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 4: Nhà thơ thử nói về hạnh phúc
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 3: Cơm rang và Trăng con
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 2: Trảng Còng và nhạc Hoàng Việt
>> Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.