Bia chùa Long Đọi bị cào xước: Sở VH-TT-DL Hà Nam trốn trách nhiệm

24/04/2014 08:45 GMT+7

Văn bản cho thấy nhóm thợ xây do thiếu ý thức đã cào xước bảo vật quốc gia - bia chùa Long Đọi, Hà Nam. Nhưng trách nhiệm không chỉ có họ phải chịu.

Văn bản cho thấy nhóm thợ xây do thiếu ý thức đã cào xước bảo vật quốc gia - bia chùa Long Đọi, Hà Nam. Nhưng trách nhiệm không chỉ có họ phải chịu.

Bia chùa Long Đọi bị cào xước: Sở VH-TT-DL Hà Nam trốn trách nhiệm
Bia Sùng Thiện Diên Linh bị xây xước trong ngày đón danh hiệu (18.4) - Ảnh: Long Trang

Chỉnh trang một ngôi chùa quê mình, có nằm mơ nhóm ba người của Công ty TNHH Khánh Huệ gồm ông Từ, ông Long và ông Đạo cũng không nghĩ việc như vậy có thể khiến mình chịu búa rìu dư luận. Nhưng, họ đã phải cùng nhau viết, ký bản tường trình nhận lỗi về mình cho những việc đã làm.

“Chúng tôi là những người dân lao động và là những người thợ nhận làm sửa chữa: lát nền sân, phát quang, di chuyển cây cối, quét vôi, quét dọn khu vực nơi để  bia. Sau khi song (xong) chúng tôi được biết phòng văn hóa huyện Duy Tiên nói là chúng tôi đã làm tự ý sâm hai (xâm hại) đến cái bia đó là bảo vật quốc gia. Thực tế chúng tôi thi công do xi măng, vôi ve bắn vào bia thì chúng tôi có dùng chổi, bàn chải để làm sạch bia cho đẹp chứ không cố ý làm hỏng bia”, bàn tường trình viết với nhiều lỗi chính tả.

Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Duy Tiên, Hà Nam ngay sau đó đã báo cáo Sở VH-TT-DL Hà Nam về sai phạm này của nhóm thợ. Tại báo cáo số 07 ngày 21.4 có đoạn: “Trong quá trình làm vệ sinh, nhóm thợ thấy các bia trong khu vực có nhiều rêu mốc nên đã làm vệ sinh mà không xin ý kiến của cơ quan chuyên môn nên có xảy ra hiện tượng như báo chí đã nêu”.

Sở VH-TT-DL Hà Nam sau đó có báo cáo tỉnh về việc bia Sùng Thiện Diên Linh bị xâm hại. Báo cáo ngày 22.4 cho thấy, UBND huyện Duy Tiên đã phân công và giao cho Phòng VH-TT, Ban quản lý di tích chùa Đọi chỉnh trang khu vực nhà bia và sân khai hội nhằm đón danh hiệu bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, phòng và ban đã giao khoán cho tốp thợ xây không có nhiệm vụ làm vệ sinh khu vực nhà bia. Quá trình triển khai, Phòng VH-TT huyện cũng không hướng dẫn, giám sát để cho tốp thợ tùy tiện cọ rửa các rêu mốc trên bề mặt bia, làm xây xước một số chữ Hán và các họa tiết hoa văn. Sở cũng đề nghị tỉnh đưa ra hình thức kỷ luật với các cá nhân liên quan ở cấp huyện.

Lỗi của những người thợ trực tiếp cọ bia đã rất rõ, tuy nhiên, việc “khoanh vùng” lỗi của Sở VH-TT-DL dường như cũng có vấn đề. Bởi họ chỉ nhắc tới trách nhiệm của cấp huyện và nhóm thợ xây trong báo cáo gửi tỉnh. Trên thực tế, ngoài việc bia Sùng Thiện Diên Linh là bảo vật quốc gia, ngôi chùa Long Đọi Sơn cũng là một di tích cấp quốc gia. Theo pháp luật về di sản, những thay đổi, tu bổ trong ngôi chùa này phải được sự đồng ý của Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, những sửa sang trong chùa, đã hoàn toàn không được Sở báo cáo lên cấp trên.

Trả lời PV Thanh Niên Online, Cục trưởng Cục Di sản Nguyễn Thế Hùng cho biết Cục hoàn toàn không nhận được một đề nghị cho phép sửa sang tu bổ nào từ cấp tỉnh. Cũng theo ông Hùng, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghị định 70/2012 của Chính phủ và Thông tư 18/2012 của Bộ VH-TT-DL nêu rõ, tổ chức thi công tu bổ di tích phải đạt những tiêu chuẩn nhất định mới được giao làm việc này. Chẳng hạn, đơn vị có ít nhất ba người có chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích, trong đó, có người đủ điều kiện năng lực chỉ huy trưởng công trường thi công tu bổ di tích; có đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Như vậy, rõ ràng việc làm tổn hại bia ở chùa Long Đọi Sơn cần được nhìn nhận cụ thể hơn về trách nhiệm. Có vậy, những vụ việc tương tự mới không tiếp tục xảy ra.

Trinh Nguyễn

>> Cần giám định tấm bia bảo vật quốc gia
>> Bảo vật quốc gia đầy vết xước
>> Nhiều bảo vật quốc gia mang dấu ấn địa phương rõ nét   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.