Nhóm cực đoan Boko Haram trỗi dậy tại Nigeria

24/04/2014 09:00 GMT+7

Tổ chức Hồi giáo cực đoan Boko Haram liên tiếp thực hiện những vụ tấn công, bắt cóc gây rúng động trong thời gian qua.


Các tay súng Boko Haram - Ảnh: AFP 

AFP dẫn nguồn tin từ lực lượng an ninh Nigeria cho biết tối 14.4, 129 nữ sinh Trường trung học Chibok, bang Borno miền đông bắc nước này đã bị các tay súng Boko Haram bắt cóc. Theo nhiều nhân chứng, các thành viên Boko Haram đọ súng trong nhiều giờ với cảnh sát nhưng sau cùng đã đẩy lùi lực lượng an ninh để tiến vào trường. Sau đó, chúng đưa các nữ sinh lên xe tải và tẩu thoát, một số em đã thoát được nhờ liều mình nhảy khỏi xe.

Không chừa cả trường học

Theo thông tin chính thức, trong tuần qua, nhiều con tin đã bỏ trốn thành công nhưng hiện vẫn còn 77 em chưa thoát được. Vì “lý do an ninh”, Thống đốc bang Borno Kashim Shettima không nói rõ các nữ sinh đã trốn thế nào sau khi bị bắt giữ. Trong khi đó, báo Le Point dẫn lời đại diện ngành giáo dục của bang Mallam Inuwa Kubo cho biết một số nữ sinh lợi dụng lúc bọn bắt cóc sơ hở khi họ đi vệ sinh để tẩu thoát.

Cho đến nay, vẫn còn nhiều nghi vấn liên quan đến các thông cáo của chính quyền địa phương về vụ bắt cóc. Sau khi liên lạc với các phụ huynh có con em bị mất tích, Hiệu trưởng Trường Chibok, bà Asabe Kwambura đã tiết lộ con số rất khác so với số liệu chính thức. Theo đó, có 230 nữ sinh bị bắt, 43 em trốn thoát và 187 em vẫn còn trong tay bọn bắt cóc. Giới chức bang Borno không đưa ra bình luận gì về thông tin của bà Kwambura, chỉ khẳng định cảnh sát vẫn thực hiện chiến dịch giải cứu các con tin và đang ráo riết tìm kiếm ở khu rừng Sambia, đông bắc Nigeria. Nơi này là vùng căn cứ lâu năm của Boko Haram. Ngoài ra, sự im lặng của cả Boko Haram lẫn chính quyền Borno về số phận các nữ sinh bị bắt cóc khiến các gia đình nạn nhân rất lo lắng. Le Point dẫn một nguồn tin an ninh cho biết trước đây, một số con tin nữ từng bị các tay súng Boko Haram biến thành nô lệ tình dục.

Theo tiếng Hausa, một ngôn ngữ ở châu Phi, Boko Haram có nghĩa “nền giáo dục phương Tây là một tội lỗi”. Chính vì vậy, đây không phải là vụ tấn công đầu tiên của tổ chức này nhằm vào các trường học ở khu vực đông bắc Nigeria. Hồi tháng 2 vừa qua, các tay súng Boko Haram đã bắn và đâm chết 43 học sinh một trường trung học ở thị trấn Buni Yadi, bang Yobe (kế bang Borno) khi các em đang ngủ ở ký túc xá. Tháng 9.2013, một đợt tấn công khác của tổ chức này khiến 40 học sinh ở thành phố Gujba (cũng thuộc bang Yobe) thiệt mạng. Boko Haram đã làm nhiều trường học ở Borno phải đóng cửa, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục địa phương.

Vươn vòi đến thủ đô

Vụ bắt cóc nữ sinh nói trên xảy ra gần như ngay sau đợt tấn công ga Nyanya, ngoại vi thủ đô Abuja của Nigeria vào sáng 14.4 làm ít nhất 75 người thiệt mạng, 141 người bị thương, theo tờ Le Monde. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử thành phố. Chỉ huy lực lượng cứu hộ tại Abuja Charles Otegbade cho biết một quả bom được cài vào xe đậu trong nhà ga đã nổ vào 6 giờ 45, giờ người dân bắt đầu đi làm nên gây nhiều thương vong. Cuối tuần qua, thủ lĩnh Abubakar Shekau của Boko Haram đã chính thức xác nhận tổ chức này đứng sau vụ tấn công.

Sau các vụ việc nghiêm trọng kể trên, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan tuyên bố: “Boko Haram là một trang rất xấu trong lịch sử phát triển của Nigeria nhưng chúng ta sẽ nỗ lực tới cùng để giành chiến thắng”. Trong vụ đánh bom nhà ga Nyanya, tổ chức này không những tấn công một “mục tiêu quan trọng” mà mục tiêu ấy còn ở sát thủ đô. Boko Haram đang tỏ ra rất manh động kể từ đầu năm nay. Trong 4 tháng qua, các đợt bạo động liên quan đến Boko Haram đã làm hơn 1.500 người thiệt mạng, một nửa trong số đó là dân thường.

Vụ tấn công ở thủ đô thuộc miền trung cho thấy Boko Haram đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài vùng đông bắc Nigeria. Trả lời Le Monde, Giáo sư Marc-Antoine Pérouse de Montclos (Viện Địa chính trị, Đại học Paris VIII, Pháp) cho biết: “Nạn bạo lực tại Nigeria đặc biệt gia tăng sau khi chính phủ thiết lập tình trạng khẩn cấp tại 3 bang miền đông bắc là Yoba, Adamawa và Borno vào tháng 5.2013. Từ đó, quân đội thay vì chỉ hành động chủ yếu ở các thành phố như lúc trước, đã thực hiện nhiều chiến dịch trấn áp cứng rắn ở các làng mạc, thị trấn nhỏ thuộc vùng nông thôn và khiến người dân phẫn uất. Vì vậy, họ không còn tố giác các thành viên Boko Haram, ngược lại, nhiều người còn gia nhập tổ chức”.

Tổ chức Boko Haram được Mohammed Yusuf thành lập vào đầu thập niên 2000 tại bang Borno, với tôn chỉ hoạt động là áp dụng luật Hồi giáo tại Nigeria, đấu tranh cho bình đẳng xã hội và tố cáo nạn tham nhũng của các chính trị gia. Sau một vụ xô xát nhỏ năm 2009, quân đội Nigeria đã mở một đợt trấn áp quy mô lớn nhằm vào Boko Haram. Ông Yusuf cũng bị cảnh sát bắt giữ và giết chết mà không qua xét xử. Đây chính là bước ngoặt khiến Boko Haram chuyển sang hoạt động “ngầm” và ngày càng cực đoan hơn. Nhóm này từng bị cáo buộc có liên hệ với al-Qaeda và bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài vào tháng 11.2013.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Nigeria triệt phá nhà hàng bán thịt người
>> Kinh hoàng vụ nhà hàng bán thịt người ở Nigeria
>> Nhóm tin tặc Nigeria chuyên tấn công các ngân hàng điện tử
>> Thảm sát tại ký túc xá ở Nigeria, 40 người chết
>> Người đẹp Nigeria đăng quang Hoa hậu Hồi giáo thế giới 2013
>> Tổng thống Nigeria bất ngờ sa thải 9 bộ trưởng
>> Bốn người Thái bị bắt cóc ở Nigeria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.