Tìm sắc phong trả lại đình thần

23/04/2014 03:00 GMT+7

Mấy năm qua, 5 nhà sưu tầm trẻ của nhóm Tâm Phát đã miệt mài tìm kiếm các bản sắc phong bị thất lạc để trả lại cho các đình miếu thờ các vị thần.

Tìm sắc phong trả lại đình thần
Trần Hiển Anh với sắc phong nhà Nguyễn - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhóm gồm Trần Hiển Anh, Trần Tuấn Anh, Võ Kim Long, Phạm Xuân Thắng, Huỳnh Nhựt Quang “đóng chân” ở số 273/30 Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh, TP. HCM. Đến đó theo lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, chúng tôi gặp một bảng hiệu dễ thương: “Gốm Biên Hòa - một thời để nhớ”. Thì ra các anh chuyên sưu tầm gốm cổ, ai nấy đều ở độ tuổi 30.

Mò kim đáy bể

Khi chúng tôi đến, người trẻ nhất là Trần Hiển Anh (27 tuổi), tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - đại diện nhóm, ngồi trên chiếc bàn thấp chú tâm vào một bản sắc phong màu vàng, chữ đen, triện đỏ. Anh cho biết đây là sắc phong của ngôi đình mang tên công chúa Thiên Hương Phù Dung, thờ hai chị em bà Thiên Hương Phù Dung đã có công rất lớn trong công cuộc chống ngoại xâm từ thời dựng nước, được dân làng cổ Sơn Đông (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thờ làm Thành Hoàng. Ngôi đình này đã nhận được tất cả 14 lần sắc phong qua các đời vua, và bản sắc phong đang nằm trên bàn là của vua Duy Tân ban.

 

Thật hết sức quý báu, dò kiếm các bản sắc phong khác nào mò kim đáy biển, thế mà các anh đã tìm ra

Lê Hữu Toàn - Bí thư Đảng bộ xã Thành Lộc (H.Hậu Lộc, Thanh Hóa)

Bí thư Đảng bộ xã Thành Lộc (H.Hậu Lộc, Thanh Hóa) Lê Hữu Toàn cho biết kể từ năm 1954 trở đi, đình Thiên Hương Phù Dung cùng với nhiều đình miếu khác ở miền Bắc được trưng dụng làm kho chứa quân lương, hoặc chứa thóc lúa, nông cụ của các hợp tác xã, nên những sắc phong bị thất thoát, hoặc bị thiêu cháy vì binh lửa. Tuy vậy, “đình Thiên Hương vẫn bảo vệ được các sắc phong gửi tại nhà của “ông từ” giữ đình. Song rất đáng buồn là khi nhà nước cho phép khôi phục sinh hoạt tại các đình thần, những sắc phong ấy được đưa về đình, rồi lại bị thất lạc bởi kẻ trộm cạy cửa vào lấy hết. Nay chúng tôi nghe nói các nhà sưu tầm trong nhóm Tâm Phát đã tìm kiếm và sẽ hiến tặng sắc phong cho đình. Thật hết sức quý báu, dò kiếm các bản sắc phong khác nào mò kim đáy biển, thế mà các anh đã tìm ra”.

Ngoài bản sắc phong thời vua Duy Tân nói trên, nhóm Tâm Phát còn tìm được một bản khác do vua Khải Định ban ngày 18.3.1917. Cả hai bản này dự kiến sẽ được làm lễ giao trả cho đình Thiên Hương Phù Dung vào tháng 5.2014.  

 

Phân biệt thật giả

Về việc phân biệt sắc phong thật giả, anh Long cho biết: “Về mặt chuyên môn của người sưu tầm, chúng tôi có cách giám định riêng của mình. Mặt khác, chính những vị quản lý đình miếu, những vị trong ban quý tế của các đình, đều có thể cùng chúng tôi xem xét để xác định thật hay giả. Như trường hợp khi chúng tôi trao trả, hiến tặng bản sắc phong do vua Thành Thái ban năm 1890 cho miếu Quan Thánh đế quân ở xã Diên Lạc (H.Diên Khánh, Khánh Hòa) cách đây chưa đầy một năm chẳng hạn. Khi ấy, Ban quản lý miếu Quan Thánh đế quân và chức sắc của Hội quán Hải Nam (Khánh Hòa) đã đem ảnh chụp bản sắc phong trước kia ra để so sánh. Kết quả cho thấy các chi tiết đặc biệt trong ảnh đều khớp với hiện vật”.

Xuất tiền “thỉnh” sắc phong

Anh Võ Kim Long tiếp nối câu chuyện về hành trình tìm sắc phong: “Chúng tôi lận đận lắm mới được xem tận mắt các sắc phong đang lưu lạc và “tạm trú” trong các bộ sưu tập. Có nhà sưu tầm dọa: Mấy cậu còn trẻ mà đi tìm sắc phong không tiện chút nào. Mỗi tờ sắc phong của nhà vua ban cho các vị thần để thờ trong đình miếu đều được nhiều hộ thần bảo vệ, đem về nhà mình không cẩn trọng khiến hộ thần giận dữ thì nguy lắm đấy. Chúng tôi thưa sẽ “thỉnh” về tôn trí ở nhà mình một cách trân trọng, và dĩ nhiên sau đó chúng tôi phải “thỉnh” với một món tiền kha khá. Một nhà sưu tầm khác lại dọa: Sắc phong do các hoàng đế thời trước ban xuống để thờ ở các di tích mà hiện nay được nhà nước bảo vệ, mấy cậu đem về nhà làm của riêng không sợ bị phiền hà sao? Chúng tôi lại thưa: Không dám đem về làm của riêng, chỉ xin cúng vái đúng lễ để cầu phước báu thôi. Rồi chúng tôi cũng “xin về” được, dĩ nhiên phải bằng cách đưa một món tiền do chủ sở hữu “ra giá”.

Cũng có chủ sở hữu tuy không nhận tiền, nhưng lại nói khéo: Sắc phong là của thần linh không mua bán được, bây giờ các cậu có trong tay đồ gốm cổ Biên Hòa thì hãy đem ra đổi, chứ chúng tôi không lấy một xu một cắc nào đâu… Cũng may trong năm anh em nhóm chúng tôi có người tốt nghiệp đại học, có người bán cà phê, có người mở văn phòng kinh doanh, kẻ ít người nhiều đều sẵn sàng góp vào để đáp ứng những đòi hỏi trong việc tìm kiếm và lấy lại sắc phong cho các đình thần...”.

Phải nhớ ơn tổ tiên

Sinh thời, cụ Trần Văn Cừ (ông nội của hai nhà sưu tầm Trần Hiển Anh và Trần Tuấn Anh trong nhóm), từng làm Trưởng ban Điêu khắc và Giám xưởng Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, thường dặn dò con cháu: “Phải nhớ ơn tổ tiên và các vị thần giúp nước”. Câu nói ấy đã lan tỏa trên bước đường sưu tập của những hậu duệ của cụ. Hiện các nhà sưu tầm này đang liên hệ thêm với một ngôi đình nổi danh khác ở thị trấn Chợ Lầu tỉnh Bình Thuận để trao trả sắc phong cho các vị thần thờ ở đó.

Giao Hưởng

>> Phát hiện sắc phong cổ liên quan danh nhân vương triều nhà Lý
>> Phát hiện 4 đạo sắc phong cổ quý hiếm thời Nguyễn
>> Uy nghi lễ rước sắc phong vua Hàm Nghi
>> Phát hiện ngôi đền lưu giữ 139 đạo sắc phong cổ
>> Người dân hiến tặng một đạo sắc phong cổ
>> Rước sắc phong làng cổ Túy Loan  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.