Ông Thaksin sẵn sàng rút khỏi chính trường Thái Lan

21/04/2014 11:15 GMT+7

(TNO) Cựu thủ tướng lưu vong của Thái Lan ông Thaksin Shinawatra cho biết ông rất lo lắng cho chính trường Thái Lan và sẵn sàng rút khỏi diễn đàn chính trị nếu điều đó giúp giải quyết căng thẳng và mang lại ổn định cho nước này.

 Phe áo đỏ
Một người áo đỏ ủng hộ gia đình Shinawatra - Ảnh: Minh Quang

Cựu thủ tướng Thaksin đang có mặt ở Bắc Kinh để gặp gỡ các lãnh đạo của đảng Puea Thai cũng như giới chức cao cấp của chính phủ cầm quyền.

Cuộc họp được ví như cuộc họp nội các “đính thực” của chính phủ cầm quyền Puea Thai với trọng tâm là đánh giá tình hình Thái Lan và hành động thế nào của đảng này, theo một nguồn tin từ trong nước.

“Gia tộc Shinawatra chấp nhận rút khỏi chính trường Thái Lan nếu mang lại sự bình yên cho người dân Thái”, ông Thaksin nói với các thành viên đảng Puea Thai cùng tham gia cuộc họp với ông.

Theo một số nguồn tin từ giới chức chính trị cao cấp của nước này, cả ông Thaksin và các thành viên của đảng Puea Thai lo lắng chính trường Thái Lan sẽ biến động sau thời điểm Tòa hiến pháp nước này quyết định số phận của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Lãnh đạo phe áo đỏ, phe ủng hộ chính phủ hôm 20.4 cho biết sẽ xuống đường ngay trước ngày Tòa hiến pháp đưa ra phán quyết đối với bà Yingluck. Tình hình được dự báo sẽ có bạo động nếu phán quyết lật đổ thủ tướng cùng nội các của bà.

Bà Yingluck, em gái của ông Thaksin, đang trong thời gian bị Tòa hiến pháp xem xét vụ án chuyển đổi nhân sự cao cấp của Ủy ban An ninh Quốc gia được cho là vi hiến.

Vụ án do một số thượng nghị sĩ khởi xướng sau khi chưa hài lòng với phán quyết của Tòa dân sự tối cao hồi đầu tháng 2.2014 dù tòa này tuyên quyết định của thủ tướng Yingluck là sai trái và buộc bà phục chức cho người đứng đầu của Ủy ban An ninh Quốc gia.

Bà Yingluck cũng đang đối mặt với vụ khởi tố khác liên quan đến chính sách trợ giá gạo mà giới quan sát cho rằng bà khó có thể đứng vững với vụ án này.

Đây là thời kỳ sóng gió nhất đối với nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau hơn 2 năm cầm quyền.

Anh trai bà, ông Thaksin, cũng phải thừa nhận bà Yingluck đã phải chịu đựng quá nhiều kể từ khi lên nắm quyền thủ tướng.

Trong video clip chia sẻ với những người ủng hộ gia đình Shinawatra nhân dịp năm mới lễ hội Songkran tuần qua, ông Thaksin nói rằng cuộc tranh giành quyền lực ở Thái Lan không chỉ làm cho người của dòng họ Shinawatra mà cả người dân Thái mệt mỏi.

Lại bất đồng về ngày bầu cử

Ngày mai 22.4, Ủy ban bầu cử Thái Lan sẽ gặp gỡ với đại diện các đảng phái chính trị để bàn về kế hoạch bầu cử sắp tới nhằm thay thế cho cuộc bầu cử ngày 2.2 đã bị Tòa hiến pháp tuyên vi hiến.

Cuộc họp chưa diễn ra nhưng đã có nhiều tranh cãi từ các đảng phái cũng như của cơ quan chịu trách nhiệm bầu cử.

Một số giới chức cao cấp của Ủy ban bầu cử cho rằng kế hoạch bầu cử nên tiến hành vào hạ tuần tháng 7 với mục đích làm cho tình hình căng thẳng chính trị ở nước này lắng đọng, sau đó tháng 10 chính phủ mới sẽ chính thức được thành lập.

Tuy nhiên, một số đảng chính trị, trong đó có đảng Puea Thai không đồng ý, muốn tiến hành bầu cử trong tháng 6 với quan điểm hoàn toàn ngược lại với cơ quan bầu cử rằng chính trị Thái Lan sẽ sớm ổn định khi tổ chức được bầu cử.

Trong khi đó, giới quan sát quan tâm liệu đảng Dân chủ có tham gia cuộc gặp vào ngày mai hay không vì đảng đối lập từng từ chối và sau đó là tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2.2.

Hôm qua, người phát ngôn của đảng Dân chủ mấp mé không muốn tham gia cuộc gặp của tất cả các đảng phái chính trị do Ủy ban bầu cử tổ chức. Tuy nhiên, vì sợ áp lực của dư luận và dường như không còn lý do để từ chối, đảng Dân chủ nói rằng sẽ tham gia nhưng chỉ cử người đại diện không thuộc hàng lãnh đạo cũng như ban chấp hành đảng.

Minh Quang (Văn phòng Bangkok)

>> Lãnh đạo phe biểu tình đòi 'đuổi' dòng họ Shinawatra khỏi Thái Lan
>> PV Thanh Niên từ Thái Lan: Thủ tướng Yingluck Shinawatra không từ chức
>> Sản phẩm nhà Shinawatra bị kêu gọi tẩy chay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.