Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh

21/04/2014 09:00 GMT+7

Cuối những năm chiến tranh chống Mỹ, Thanh Thảo xuất hiện trên thi đàn Việt với một giọng thơ độc đáo và mới lạ. Tập hồi ký Lang thang qua chiến tranh của ông sắp xuất bản là hồi ức của một nhà thơ trong hành trình đi đến thơ ca qua những lát cắt của chiến tranh. Nhân kỷ niệm 39 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2014), Thanh Niên xin giới thiệu một số trích đoạn trong tập hồi ký này.

 Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh
Nhà thơ Thanh Thảo trong một chuyến trở lại Trường Sơn năm 1999 - Ảnh: Trần Đăng

Quả thật, chỉ sau tròn một năm hành nghề báo binh vận tại Hà Nội, tôi chính thức được cấp trên cử đi chiến trường. Chiến trường B2 - Nam bộ hẳn hoi, theo đúng nguyện vọng cá nhân của tôi.

Với những sĩ quan hay cán bộ dân sự trước khi đi chiến trường đều phải trải qua một thời gian luyện tập nhất định ở “trường”. Luyện tập khá gian khổ, và tương đối gần giống với thực tế chiến trường. Còn tôi, do ở cơ quan chỉ mỗi mình tôi đi, nên các anh nói tôi cứ... tự tập. Muốn tập kiểu gì cũng được. Như thế, khởi đầu đã tự do rồi. Tôi bèn mang ba lô gạch đi lang thang qua các con phố ở Hà Nội. Khi qua một quán bia hơi, nếu thấy ít người xếp hàng, tôi lại ghé vào làm vài cốc lấy…khí thế. Bia hơi ba hào/cốc, ngon hơn bia “ken” bây giờ nhiều. Sau đó, lại hăm hở đeo ba lô gạch... hành quân. Lúc bấy giờ, nhiều bạn tôi đang tập trung ở Quảng Bá - trại sáng tác của Hội nhà văn - cũng học tập và rèn luyện chờ ngày đi chiến trường. Có hôm, tôi mang ba lô gạch đi bộ lên tận Quảng Bá, vào thẳng lớp học của các nhà văn tương lai. Các nhà văn bạn tôi nhìn tôi - quân phục thứ thiệt, ba lô gạch thứ thiệt, sắp đi chiến trường B2 thứ thiệt - nhìn một cách “hơi bị ngưỡng mộ”. Tôi bèn hô hào mọi người đi... uống bia hơi. Vẫn ba lô gạch trên vai, hành quân ra quán bia hơi cách trường vài cây số. Tôi đã tự tập luyện như vậy.

Tôi không nghĩ 5 năm lang thang ở chiến trường, lang thang qua chiến tranh của mình là hoàn toàn suôn sẻ. Nhưng thực lòng tôi khải ngộ ơn trên, và cảm ơn số phận đã giúp cho cuộc lang thang nhiều năm của mình thành tựu. Tôi đã có cơ hội nhìn rõ khuôn mặt chiến tranh, đã đi được khá nhiều đường rừng đường đất và đường nước, đã từng nhịn đói 3 ngày do tắc đường ở Đồng Tháp Mười, đã núp trong bụi cây ở một trảng cỏ thuộc đất Campuchia và nhìn rất rõ một gã lính Mỹ cởi trần, ngực đỏ như ức gà chọi, đứng bên cửa trực thăng và rà khẩu đại liên, cứ như gã đã phát hiện thấy cái gì. Chẳng có gì, trừ một kẻ lang thang là tôi không muốn trở thành con mồi “chuyển động hay bất động” để ăn đạn. Những tình huống trong chiến tranh với tôi cứ như tình cờ, và tôi cũng không có kỹ năng gì để xử lý nó. Tôi nhớ có lần nhóm công tác chúng tôi len lách giữa vùng ven sát lộ 4 do đối phương kiểm soát, trưởng nhóm Tám Hùng đã nhắc tôi: “Công (tên tôi), lên đạn đi!”. Tôi vội vàng lên đạn khẩu K54, mở chốt an toàn, nhưng cũng không có cảm giác gì rõ rệt là mình sẽ gặp nguy hiểm. Quả thật, đã không có nguy hiểm ở lần đó. Nhiều lần khác cũng vậy. Và tôi chợt nhớ đến nhân vật Pierre Bezukhov trong Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi. Anh chàng này, cận thị nặng, đi lơ ngơ giữa chiến trường Borodino đầy chết chóc mà... không sao cả. Đi như người mộng du giữa hai bờ chiến tuyến mà không hề hấn gì thì thật lạ! Tôi, dĩ nhiên, không phải là nhân vật của Lev vĩ đại, cũng không đến nỗi đi lơ ngơ giữa hai bờ chiến tuyến, nhưng đúng là không bị chút thương tích gì thì thật ơn trời phật! Có lần, tôi một mình ăn mặc giống như một thanh niên địa phương, “đi phượt” từ lộ 4 Cai Lậy ra cù lao Ngũ Hiệp. Phải đi xuồng máy trên sông Tiền mênh mang có nhiều tàu tuần tiễu của đối phương thường xuyên khống chế, tôi lận lưng khẩu K54 mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có lúc sử dụng, đội nón lá và mặc áo sơ mi may bằng vải “pô ly”, giống như một trai làng bình thường của vùng Cai Lậy. Chuyến ấy tôi đi rất trót lọt, nhưng ra tới cù lao Ngũ Hiệp, vào buổi tối ở đây đã xảy ra trận tao ngộ chiến giữa một nhóm du kích và quân biệt kích Sài Gòn. Ba chiến sĩ du kích đã hy sinh trên một cồn (đảo) có 6.000 dân và tương đối yên bình cho đến lúc ấy, là một sự kiện lớn. Tôi đã chứng kiến sự kiện đau buồn này, và sau đó viết được bài thơ Đêm trên cồn. Đây có lẽ là một trong những bài thơ đậm không khí chiến tranh trực tiếp nhất của tôi. Dĩ nhiên, tôi lang thang qua chiến tranh, nhưng không hề là người vô cảm.

Nhưng hình như, lang thang trong chiến tranh khác với đi phượt trong hòa bình nhiều lắm. Không những nguy hiểm, mà còn rất dễ bị nghi ngờ. Nhưng vẫn có người đi. Lúc ở chiến trường Mỹ Tho, tôi đã gặp không chỉ Dũng - một anh lính cũng “lang thang”, sau này tôi có viết bài thơ lấy tên anh đặt đề “Dũng”, in trong tập Dấu chân qua trảng cỏ - mà còn vài anh bạn khác cũng “lang thang cơ nhỡ” như vậy. Họ vẫn mang súng AK, đủ cơ số đạn, và... đi. Nếu gặp em Huyền Chíp như bây giờ, có lẽ họ sẽ phấn khởi và đi tới... châu Phi luôn. Con người thật thú vị, và luôn luôn là một bất ngờ. (Còn tiếp)

Thanh Thảo 

>> Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tôi không nghĩ phim chiến tranh kén khán giả
>> Ra mắt phim tài liệu về chiến tranh biên giới Tây Nam 
>> Trao đổi tư liệu về chiến tranh Việt Nam
>> Tổng thống Obama “không quên chiến tranh Việt Nam”
>> Phóng viên ảnh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam qua đời
>> Chiến tranh Việt Nam là thế đó" được dịch sang tiếng Tây Ban Nha
>> Phim tài liệu Tù binh ở Hà Nội - Hilton: Chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn của một người Pháp
>> Phim về John Lennon chống chiến tranh Việt Nam được hoan nghênh
>> Lê Quang Đỉnh và góc nhìn về chiến tranh Việt Nam
>> Mỹ: Một nhân vật chống chiến tranh Việt Nam qua đời
>> Những phóng sự về chiến tranh Việt Nam
>> Công bố tài liệu về chiến tranh Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.