Giấc mơ Internet mang tên VNG

21/04/2014 12:28 GMT+7

Cách đây 10 năm, VNG (tiền thân là Vinagame) nổi tiếng với trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ. Giờ đây, họ đã phát triển thành một công ty công nghệ lớn với sứ mệnh phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam.

Khởi nghiệp

Năm 2004, Lê Hồng Minh (game thủ), Bryant Pelz (chuyên gia công nghệ người Mỹ) cùng một số cộng sự thành lập VNG và thành công với trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ. Thế như, khởi đầu của người sáng lập là một game thủ đã không dừng lại ở việc phát hành trò chơi của nước ngoài. “Có một ngày, sẽ rất nhiều người trên thế giới biết đến những sản phẩm game được làm ra và vận hành bởi những người Việt trẻ đam mê game", Lê Hồng Minh, CEO của VNG tâm sự khi được hỏi về dự định kế tiếp.

Nhưng, kế hoạch làm game cho hàng triệu người trên thế giới say mê chơi mỗi ngày của Lê Hồng Minh giống như một giấc mơ hoang đường, bởi phát hành và sản xuất là 2 việc rất khác nhau. Trước đó, Việt Nam chưa từng có công ty phần mềm nào làm game đóng gói xuất khẩu thành công. Sản phẩm đầu tiên là bằng chứng cho cái gọi là “thực tế phũ phàng”: “Thuận Thiên Kiếm”, dự án “bom tấn” được VNG đầu tư mạnh và là game online đầu tiên của Việt Nam ra mắt vào cuối năm 2009 sau nhiều tháng thai nghén. Sau những hào hứng ban đầu của game thủ, trò chơi trực tuyến này đuối dần...

VNG không nản chí. Công ty này tiếp tục cho ra đời những game nhỏ như "Khu vườn trên mây" (Sky Garden), "Ủn ỉn"…và lần đầu tiên phát hành thành công sang Nhật Bản, Trung Quốc. Riêng game "Sky Garden" do VNG phát hành ở Trung Quốc chỉ trong 4 tuần đã thu hút tới 2 triệu người chơi và trở thành một trong 10 game nước ngoài được chơi nhiều nhất - giấc mơ người Việt làm game của Lê Hồng Minh và cộng sự đã có trái ngọt đầu tiên.

Sản xuất game chỉ là một phần trong giấc mơ với Internet của VNG. Trong dịp sinh nhật lần thứ 7 của VNG, Lê Hồng Minh có bài viết về sứ mệnh của công ty với tiêu đề “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”. Người đứng đầu VNG viết: “Chúng ta là thế hệ công dân Internet đầu tiên của Việt Nam.  Internet là lý do VNG hình thành và sẽ là lý do để chúng ta phát triển với tốc độ nhanh nhất trong 20-30 năm nữa. Chúng ta vừa có cơ hội, vừa có trách nhiệm để “làm Internet” tại Việt Nam”.

Quyết tâm của công dân Internet

Trên thực tế, từ trước đó vài năm, VNG đã có những bước chuyển mình lớn với các dịch vụ mới trên nền Internet. Nhóm sản phẩm Zing (Zing MP3, Zing Me, Zing News…) là những dịch vụ Internet của VNG tạo ra những thói quen mới cho người Việt. Bên cạnh đó, một sản phẩm quan trọng của VNG đóng góp cho ngành Internet Việt Nam là phần mềm quản lý đại lý Internet (CSM). Với các tính năng nổi bật như: Quản lý dịch vụ, Khống chế web đen, Đóng băng máy trạm, Quản lý, cập nhật ứng dụng … CSM đã phối hợp cùng nhiều tỉnh thành khuyến khích cài đặt ở các phòng máy nhằm quản lý tốt về văn hóa mạng và tạo được một môi trường Internet lành mạnh hơn.

Năm 2011, VNG đầu tư làm Zalo - ứng dụng OTT giúp nhắn tin và gọi điện miễn phí trên di động. Ra mắt tháng 8/2012, phiên bản thử nghiệm lúc bấy giờ vẫn máy móc sử dụng cấu trúc nền tảng web cho ứng dụng di động nên chưa thành công trong việc chinh phục người dùng. Đội ngũ làm Zalo đã có thời gian làm việc điên cuồng, bất kể cuối tuần, ngày nghỉ để viết lại Zalo dựa trên giao thức mới. Mãi đến tháng 12.2012, Zalo chính thức ra mắt, đi theo nền tảng mobile - first và nhanh chóng thu hút được một lượng lớn người dùng Việt Nam nhờ hoạt động tốt, ổn định trên hạ tầng mạng Việt Nam.

Hơn một năm sau, Zalo vượt mốc 10 triệu người dùng vào 20.3.2014 với hơn 120 triệu SMS được chuyển đi mỗi ngày... Sự ủng hộ của người dùng Việt là động lực để những người làm sản phẩm cố gắng hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày. Với Zalo, sứ mệnh “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam” không còn giới hạn ở những sản phẩm trên máy tính mà đã tràn rất mạnh sang các thiết bị di động.

 
Ông Vương Quang Khải - Phó TGĐ VNG đang giới thiệu về sản phẩm OTT của VNG

10 năm trước, khi VNG bắt đầu gia nhập thị trường dịch vụ trên Internet, doanh thu từ lĩnh vực này ở Việt Nam gần như là con số 0. Còn giờ đây, theo thống kê của Công ty tư vấn McKinsey (Mỹ), ngành này có doanh thu khoảng 1,2 tỷ USD và phần đóng góp cho tăng trưởng của VNG là không hề nhỏ. Chưa hết với việc đầu tư thành công cho hạ tầng trên thiết bị di động (Zalo) với hàng chục triệu người dùng, VNG được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng về dịch vụ trên nền Mobile Internet.

Trước đây, người Việt Nam thay vì đi mua đĩa CD nghe nhạc - chỉ cần truy cập Zing MP3 trên máy tính; thay vì chỉ có thể có vài người bạn đi uống café mỗi cuối tuần - có thể có hàng chục, hàng trăm mối quan hệ thân thiết hàng ngày trên Zing Me…; giờ đây, nhiều người đã có thể tìm niềm vui mới trên mobile với Zing MP3, Zalo… Và thói quen trong cuộc sống của nhiều người Việt Nam sẽ còn thay đổi khi những sản phẩm mới trên di động của VNG tiếp tục ra đời.

 
VNG nhận huân chương và bằng khen lao động hạng ba

Vì có những thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác xã hội từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ Quốc, ngày 18/4/2014, công ty VNG đã vinh dự được đón nhận huân chương lao động hạng 3 do Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang ký tặng. Dịp này, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, cũng đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ.

Nguồn: VNG Corp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.