TP.HCM: Nhiều ca sởi nhập viện do… tâm lý

19/04/2014 19:40 GMT+7

(TNO) Bệnh sởi tại TP.HCM hiện vẫn còn tăng, có ca nặng nhưng chưa có ca tử vong. Đặc biệt, nhiều ca sởi nhập viện do tâm lý hoang mang, lo lắng.

* Bác sĩ mang thai bị nhiễm sởi lây sang con

 
Bệnh nhi nằm viện điều trị sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Ảnh: Nguyên Mi

Hôm nay (19.4), Bộ Y tế đã có ngày thị sát và làm việc với các bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM về bệnh sởi.

Bệnh sởi tăng, bệnh nhân lo lắng xin nhập viện

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), tính từ đầu năm nay đến ngày 18.4, bệnh viện tiếp nhận khám cho 938 trường hợp mắc sởi, tăng gấp hơn 62 lần so với cùng kỳ năm 2013 (15 bệnh nhân). Trong đó, có đến 90% (843 ca) nhập viện điều trị nội trú, so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ có 1 ca nhập viện.

 
Phụ huynh nên chăm sóc trẻ bị bệnh sởi nhẹ tại nhà, tránh dồn lên các bệnh viện gây quá tải, dẫn đến lây nhiễm chéo, tạo ổ dịch trong bệnh viện. Các bé có bệnh nền nhiễm sởi sẽ chuyển nặng, nguy hiểm
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 54 bệnh nhân đang nằm viện điều trị sởi gồm 33 trẻ em và đến 15 người lớn (trên 15 tuổi). Có 3 bệnh nhi biến chứng viêm phổi đang được thở o-xy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết: Khoảng 50% bệnh nhân sởi đang nằm điều trị tại bệnh viện có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ở tỉnh về TP.HCM khám và “tha thiết muốn nhập viện điều trị cho yên tâm” nên bệnh viện phải cho bệnh nhân nhập viện để theo dõi. Sau 1-2 ngày thì cho xuất viện.

“Trong thời gian tới, nếu bệnh sởi tiếp tục tăng, số bệnh nhân từ các bệnh viện nhi tăng cao chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thì bệnh viện sẽ “động viên” thuyết phục bệnh nhân nhẹ điều trị tại nhà”, bác sĩ Châu nói.

Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), từ đầu năm đến ngày 17.4, có 1.002 ca nhập viện điều trị sởi. Số ca bệnh vẫn tăng liên tục qua 3 tháng đầu năm với: 178 ca - tháng 1; 238 ca - tháng 2; 348 ca - tháng 3 và trong nửa đầu tháng 4 là 238 ca. Số ca nội trú chiếm 60% tổng số ca mắc sởi. Trong đó, 11,7% (117 ca) biến chứng viêm phổi.

Hiện tại, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 35 trẻ đang điều trị nội trú, với 11 ca viêm phổi.

Số bệnh nhi ở TP.HCM nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 chiếm 57,3%; còn lại 42,7% là bệnh nhi từ tỉnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng cho biết: “Bệnh nhân ở tỉnh nhập viện do bệnh sởi nặng không nhiều mà hầu như là lo quá nên khăn gói lên đây. Bệnh nhân ở xa, không chịu về nên bác sĩ cũng đành cho nhập viện theo dõi một ngày để yên tâm. Sau đó, giải thích, cho bệnh nhân xuất viện”.

Tại bệnh viện Nhi đồng 2, hiện có 74 bệnh nhi đang nằm viện. Trong đó, 8 ca biến chứng viêm phổi nặng.

Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP có 1.350 ca mắc sởi, chưa ghi nhận ca nào tử vong.

Cách ly, phân luồng bệnh nhân tránh lây chéo

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ, khả năng lây lan nhanh. Các bác sĩ lo lắng việc nhiều bệnh nhân sởi tập trung tại một khoa của bệnh viện khiến nguy cơ lây chéo, truyền dịch sởi trong bệnh viện rất cao.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo bệnh sởi cũng cần cách ly như cúm.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã thực hiện cách ly bệnh nhân sởi nằm ở khu vực riêng và theo từng phòng tùy mức độ nặng nhẹ.

Các bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng được nằm tách riêng hoàn toàn với các bệnh khác tại khu cách ly của Khoa Nhiễm.

 
Trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) mắc sởi được y bác sĩ theo dõi, chăm sóc chặt chẽ vì bệnh dễ biến chứng nặng - Ảnh: Nguyên Mi

Ngoài ra, qua thị sát, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đề nghị các bệnh viện cần làm thêm việc phân luồng bệnh nhân ngay tại phòng khám để tránh lây nhiễm sởi; tư vấn cho phụ huynh cách phòng bệnh. Đặc biệt, tuyên truyền cho phụ huynh nên chăm sóc trẻ bị bệnh sởi nhẹ tại nhà, tránh dồn lên các bệnh viện gây quá tải, dẫn đến lây nhiễm chéo, tạo ổ dịch trong bệnh viện. Các bé có bệnh nền nhiễm sởi sẽ chuyển nặng, nguy hiểm.

Bộ Y tế đánh giá ba bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 tại TP.HCM đều có giải pháp điều trị tốt, chuyên môn cao. Đặc biệt điều trị ca bệnh nặng biến chứng có hiệu quả, không để tử vong. Một số mô hình điều trị, sàng lọc bệnh tại TP.HCM sẽ được Bộ Y tế phổ biến kinh nghiệm với các tình, thành.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cho biết, những năm qua, ngành y tế TP đã tăng cường tập huấn, đầu tư cho y tế cơ sở nên khi có dịch sởi thì các bệnh viện quận huyện có đủ năng lực điều trị, chia sẻ lượng bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến cuối rất nhiều.

“Sắp tới Sở Y tế, các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 sẽ làm việc với các tỉnh thành phía Nam để huấn luyện chuyên môn, tăng cường phân tuyến, tuyên truyền để bệnh nhân không ồ ạt đổ lên tuyến cuối, gây quá tải”, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y Tế TP.HCM, cho biết.

Chiều nay (19.4), bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết: Bệnh viện đang theo dõi điều trị cho em bé sơ sinh 12 ngày tuổi nghi nhiễm sởi do mẹ truyền sang con trong thời gian ủ bệnh.

Được biết, sản phụ là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Khi mang thai, chị có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm sởi. Ngày 1.4, chị sinh em bé thì đến ngày 7.4 chị xuất hiện phát ban bệnh sởi. Sau đó, ngày 12.4, em bé con chị cũng có dấu hiệu bệnh sởi.

Nguyên Mi

>> Phát hiện bệnh sởi trên bệnh nhi ở Quảng Trị
>> Tiêm ngừa vắc xin không hiệu quả, bệnh sởi tiếp tục gia tăng
>> Vẫn chờ bệnh sởi 'hạ nhiệt
>> Bệnh sởi bùng phát cao nhất trong 3 năm qua
>> Đề phòng biến chứng nặng sau sởi
>> Phòng bệnh sởi bằng rau mùi: Cẩn trọng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.