Thay đổi nhưng đừng gây khó cho dân

18/04/2014 20:05 GMT+7

(TNO) Đó là kiến nghị của nhiều lãnh đạo công an quận, huyện của TP.HCM tại hội thảo góp ý dự án Luật Căn cước công dân do Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 18.4.

(TNO) Đó là kiến nghị của nhiều lãnh đạo công an quận, huyện của TP.HCM tại hội thảo góp ý dự án Luật Căn cước công dân do Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 18.4.


Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi, bổ sung về thủ tục hành chính đừng nên gây khó cho dân

Những nội dung liên quan đến thay đổi, bổ sung về thủ tục hành chính của dự án luật mà ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trên cả nước đã được lãnh đạo công an các quận, huyện tập trung góp ý.

Cho rằng những việc thay đổi trong dự án luật là để phù hợp với thực tế mới hiện nay, nhưng phải đảm bảo yêu cầu là đừng gây khó cho dân, thượng tá Phạm Văn Nho, Phó trưởng Công an quận 11 đề nghị không nên đổi tên “chứng minh nhân dân” thành “thẻ căn cước công dân”.

Ý kiến này đã được nhiều đại biểu khác tán đồng.

Lý do được ông Nho đưa ra là tên gọi “chứng minh nhân dân” đã được sử dụng rộng rãi từ lâu và trở nên quen thuộc với tất cả người dân. Các giao dịch hiện nay của công dân và hoạt động quản lý của mọi cơ quan, tổ chức và các biểu mẫu, giấy tờ hành chính cũng như các giấy tờ cấp cho công dân để sử dụng tên gọi “chứng minh nhân dân”.

“Do vậy, nếu thay đổi thành “thẻ căn cước công dân” sẽ dẫn đến phải thay đổi nhiều quy định có liên quan và các biểu mẫu, giấy tờ hành chính, gây tốn kém không cần thiết cho ngân sách nhà nước và xáo trộn trong các giao dịch của người dân”, ông Nho nói.

Về thu thập dữ liệu công dân, thượng tá Lê Văn Đoàn, Phó trưởng Công an quận 10 dẫn ra một thực tế còn bất cập mà chưa thấy có sự điều chỉnh trong dự án luật, đó là cách ghi nguyên quán.

Theo thượng tá Đoàn, trong mẫu khai sinh hiện nay không có mục ghi nguyên quán. Thế nhưng, trong sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân lại xuất hiện mục này “nên có thể gây khó khăn cho dân vì hiện vẫn chưa có hướng dẫn cách ghi thống nhất”.

Thượng tá Đoàn cho biết trên thực tế có 2 cách ghi khác nhau, đó là ghi nguyên quán theo nguyên quán của cha, và ghi nguyên quán là nơi cha sinh ra và lớn lên.

Một số ý kiến khác đề nghị cần có mục thể hiện nhóm máu vào chứng minh nhân dân để có thể xử lý kịp thời trong những tình huống cấp cứu, đảm bảo tốt hơn an toàn tính mạng công dân; khi cấp đổi chứng minh nhân dân từ 9 số lên 12 số cần làm luôn xác nhận cho dân (số cũ và số mới là một) để tránh tình trạng người dân phải đi lui đi tới nhiều lần, và giúp cho người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng, công chứng…; bên cạnh đó cũng cần có cách thể hiện nhân dạng phù hợp vì ngày càng có nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ.

Tin, ảnh: Đình Phú

>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
>> Thẻ căn cước giả của ông Obama giá 3.000 đồng
>> Làm thẻ căn cước mọi lúc mọi nơi
>> Đời không căn cước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.