Dân vùng đệm U Minh Thượng bỏ mía trồng gừng

18/04/2014 10:57 GMT+7

Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, giá củ gừng liên tục tăng khiến nông dân vùng đệm U Minh Thượng (Kiên Giang) phấn khởi, nhưng kéo theo đó là nỗi lo người dân ồ ạt trồng gừng dẫn đến ế hàng, dội chợ…

Dân vùng đệm U Minh Thượng bỏ mía trồng gừng
Người trồng gừng ở U Minh Thượng đang phấn khởi vì giá tăng - Ảnh: Hồng Cúc

Làm giàu nhờ gừng

Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng màu ấp Minh Thành (xã Minh Thuận), cho biết ấp có 5 hộ trồng gừng với diện tích lớn, nhờ trúng mùa được giá nên đã xây dựng được nhà mới khang trang và mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Điển hình như trường hợp của anh Phạm Văn Minh (ngụ tổ 6). Trước đây nhà anh Minh rất nghèo do thiếu đất sản xuất. Năm 2012, anh thuê đất trồng gừng và  ngay trong năm đầu tiên đã thắng lớn, sau khi trừ chi phí còn lời trên 600 triệu đồng. Có tiền, anh mua thêm đất mở rộng diện tích trồng gừng lên trên 1 ha. Với năng suất ước đạt từ 4 - 5 tấn/công,  đám gừng của anh được thương lái đến mua mão với giá hơn 1 tỉ đồng. “Do mấy năm trước giá cả bấp bênh, gừng hay bị chết nên tôi nghĩ bán giá đó cũng đã lời cao. Thế nhưng đám gừng của tôi thương lái mua xong bán lại được hơn 1,6 tỉ đồng, tiếc đứt ruột”, anh Minh nói.

 

Hơn nữa, đầu ra của củ gừng không ổn định. Nếu trồng ồ ạt không theo quy hoạch sẽ dẫn đến dư thừa, không tiêu thụ được

Ông Nguyễn Văn Hiền

Còn ông Phạm Văn Tâm (ở xã Minh Thuận) trồng 1 ha gừng và nhờ trúng 2 vụ liên tục nên đã xây được căn nhà mới trị giá gần nửa tỉ đồng. Ông Tâm cho biết sau vụ này, sẽ tiếp tục đeo theo cây gừng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân H.U Minh Thượng, cho biết năm 2011, ở 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận có tổng diện tích gừng gần 300 ha, nhưng do giá cả bấp bênh, sâu bệnh tấn công nên nông dân phá bỏ để trồng mía và các loại rau màu khác, hiện chỉ còn khoảng 60 ha. Tuy giá gừng đang ở mức 35.000 đồng/kg nhưng nông dân không có nhiều để bán.

Rủi ro từ cây gừng

Theo ông Trần Quốc Tuấn, gừng dễ bị sâu bệnh, nhất là thối củ, nếu đã phát bệnh thì toàn bộ diện tích sẽ bị lây lan và chết. Năm 2011, ông Tuấn trồng 3 công gừng, chưa đến kỳ thu hoạch thì gừng bị thối củ chết hết. Sau đó, ông mang mẫu gừng bị thối lên Trường ĐH Cần Thơ nhờ kiểm tra thì các nhà khoa học nơi đây cho biết gừng bị một loại vi khuẩn tấn công và hiện chưa có thuốc đặc trị. Vụ đó ông mất trắng gần 100 triệu đồng tiền lên liếp và giống.

Còn ông Nguyễn Văn Hiền thì tỏ ý lo ngại việc nhiều nông dân đang muốn bỏ mía, khóm  để chuyển sang trồng gừng, bởi làm như vậy sẽ phá hỏng quy hoạch sản xuất chung của huyện. “Hơn nữa, đầu ra của củ gừng không ổn định. Nếu trồng ồ ạt không theo quy hoạch sẽ dẫn đến dư thừa, không tiêu thụ được”, ông Hiền cảnh báo.

Ông Dương Quốc Khởi, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thuận, cho biết khoảng 5 năm trở lại đây, người trồng mía trên địa bàn vẫn có thu nhập ổn định. Hiện giá mía nguyên liệu được thương lái mua bên ngoài vùng đệm là 750 đồng/kg, còn vào trong vùng đệm 650 đồng/kg (do phải vận chuyển ra ngoài đập ngăn mặn). Nếu tính bình quân mỗi công thu hoạch 8 tấn, thì sau khi trừ chi phí người trồng vẫn còn lời khoảng 2,5 triệu đồng. Do vậy, xã rất lo người dân thấy lợi trước mắt mà không tính đến lâu dài thì hậu quả sẽ khó lường.

Để giúp người trồng mía yên tâm sản xuất, ông Tuấn đã đứng ra hợp đồng với một công ty tư nhân ở Hậu Giang để được ứng vốn đầu tư lên liếp và bao tiêu giá mía. Cách làm này đã đem lại hiệu quả và lợi ích cho 25 hộ dân ấp Minh Thành trong năm 2013. Năm nay, công ty này tiếp tục ứng khoảng 1 tỉ đồng cho nông dân vùng đệm U Minh Thượng đầu tư trồng mía.

Với cách làm này, nhiều hộ trồng mía ở ấp Minh Thành rất an tâm và xã dự kiến nhân rộng ra những ấp còn lại trong thời gian tới.

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.