Tự tạo cơ hội - Kỳ 26: Trang trại cà phê chồn hoàn toàn hữu cơ

17/04/2014 02:25 GMT+7

Một lần tình cờ được thưởng thức tách cà phê chồn mua từ Indonesia ở nhà người bạn, luật sư Nguyễn Quốc Minh quyết tâm chuyển nghề: đầu tư nghiên cứu nuôi chồn để làm cà phê chồn một cách chuyên nghiệp.

 Trang trại cà phê chồn hoàn toàn hữu cơ
Ông Minh - chủ trang trại Cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt - Ảnh: N.N

Đầu tư 42 tỉ đồng vào trang trại cà phê chồn rộng 2,4 ha tại Đà Lạt, chủ nhân của nó, luật sư Nguyễn Quốc Minh cho rằng, mình muốn làm thiệt, ăn thiệt. Và đúng như vậy, thương hiệu Cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt mỗi năm mang về cho chủ nhân của nó doanh thu 4 tỉ đồng. Nhưng con số này còn quá khiêm tốn so tham vọng phải thu về 10 tỉ đồng trong năm 2014 này của ông Minh.

Ông Minh nói, Việt Nam nổi tiếng thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng danh hiệu làm cà phê sạch lại không có tên chúng ta. Thậm chí cà phê Việt còn bị mang tiếng chất lượng không đồng đều. Làm cà phê chồn sạch, ông Minh nuôi tham vọng ghi tên Việt Nam vào bản đồ cà phê sạch của thế giới. Tại trang trại, hiện ông Minh nuôi 139 con chồn và hơn 50 con ngỗng nhập từ Hungary về. Chồn được nuôi thả tự do trong vườn để ăn hạt cà phê. Công nhân thu nhặt hạt do chồn thải ra mang về, ủ 6 tháng sau mới làm nên hạt cà phê chồn thật sự. Còn ngỗng được nuôi để ăn cỏ trong trang trại, thay vì phải dùng thuốc diệt cỏ.

Theo ông Minh, cà phê chồn của trang trại phải bảo đảm hữu cơ hoàn toàn. Phân bón cho cà phê là tận dụng từ phân ngỗng và phân dê mua chở từ Bình Thuận lên. “Sử dụng sản phẩm hữu cơ sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Khi đã quyết tâm làm cà phê sạch, tôi muốn đầu tư thật tốt từ đầu, bảo đảm đúng nghĩa “sạch” mới tự tin để thuyết phục khách hàng được. Chiến lược của chúng tôi không chỉ làm cà phê sạch cho người Việt mà còn xuất khẩu đi các nước trong tương lai gần”, ông Minh cho biết.

Hiện trung bình mỗi năm trang trại thu về 200 kg cà phê chồn, bán lẻ 20 triệu đồng/kg. Sản lượng cà phê làm ra không đủ để bán tại chỗ nên sắp tới, trang trại sẽ tăng diện tích bằng cách đầu tư trồng một số vùng, trồng trái vụ rồi đưa chồn đến ăn hạt để tăng sản lượng.

Không dừng lại ở đó, ông Minh còn đầu tư trang trại Cà phê chồn Trại Hầm thành điểm tham quan du lịch để khách có thể tận mắt xem quy trình, ngắm đàn chồn, thưởng thức cà phê và mua sản phẩm về làm quà.

Ông Minh cho biết ngoài việc liên kết mở tiệm cà phê đưa sản phẩm sang Mỹ sắp tới, công ty tính đến việc bán nhượng quyền thương hiệu. Để tránh tình trạng bị làm giả, chủ trang trại Trại Hầm Đà Lạt đã đặt làm “chip” điện tử gắn vào đáy hộp cà phê. “Thực tế cho thấy tem chống hàng giả cũng được làm giả tràn lan, với chip điện tử có mã vạch mã số riêng cho mỗi sản phẩm, cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt khó để làm giả”, ông Minh cho biết.

Nguyên Nga

>> Cận cảnh: Chồn 'làm ra' cà phê chồn
>> Khó xuất khẩu cà phê tại chỗ
>> Cà phê Hướng Hóa gặp hạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.