Nỗi khó xử của đối tác chiến lược

17/04/2014 03:00 GMT+7

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhằm mục tiêu trước hết là vừa tranh thủ Trung Quốc vừa không để đối tác này bị khó xử về chính sách của Nga đối với Ukraine. Đây là sự chuẩn bị không thể thiếu của Nga cho hội nghị về Ukraine diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) giữa 2 nước này cùng Mỹ và EU để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến Ukraine, hay nói cách khác là quyết định tương lai chính trị ở Ukraine…

Nga và Trung Quốc đang trong thời kỳ quan hệ hợp tác tin cậy và hiệu quả mà cả hai phía đều đánh giá là “tốt đẹp chưa từng thấy”. Họ có được đồng thuận sâu rộng về những vấn đề cùng quan tâm. Tuy nhiên, tình hình ở Crimea và liên quan đến Ukraine lại có thể có tác động rất nhạy cảm về chính trị nội bộ đối với Trung Quốc khiến nước này khó xử nếu tỏ thái độ ủng hộ và đứng hẳn về phía Nga như trong các vấn đề khác. Trung Quốc phải xử lý tình thế khó xử đó bằng cách bên trong thì ủng hộ Nga còn bên ngoài thì biểu lộ quan điểm chung chung hiểu theo cách nào cũng được.

Đối với Nga, được Trung Quốc ủng hộ thì tốt nhất và tối thiểu thì cũng phải thuyết phục nước này không phản đối. Sứ mệnh của ông Lavrov với chuyến đi này chính là thế. Kết quả mà ông Lavrov thu về được là Trung Quốc thể hiện thái độ khiến người khác có thể hiểu là Trung Quốc không ủng hộ Nga trong khi bản thân Nga có đủ điều kiện để chắc chắn là Trung Quốc không phản đối mình. Nhờ đó, Nga có thể tham dự hội nghị nói trên với vị thế thuận lợi và ưu thế nổi trội.

Thảo Nguyên 

>> Ngoại trưởng Mỹ: Nga tìm cớ để xâm chiếm thêm lãnh thổ Ukraine
>> Nga sẽ trả giá đắt cho hành động quân sự tại Ukraine?
>> Quan chức Ukraine: 16.000 lính Nga có mặt tại Crimea
>> Nga ra tối hậu thư cho Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.