Công bố phương án thay thế điểm sàn kỳ thi đại học, cao đẳng

17/04/2014 18:50 GMT+7

(TNO) Tối ngày 17.4, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án thay thế điểm sàn kỳ thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay để lấy ý kiến đóng góp của xã hội trước khi thực hiện.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Sau khi có kết quả của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước để đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) từ cao xuống thấp cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ. Các trường được tự lựa chọn mức điểm xét tuyển phù hợp với trường mình.

 công bố phương án thay thế điểm sàn
Với việc thay đổi điểm sàn, thí sinh chỉ giỏi một môn cũng có cơ hội vào đại học - Ảnh: Vũ Thơ

Để đảm bảo tuyển được thí sinh có đủ năng lực vào ĐH, Bộ cũng đồng thời cho phép các trường nhân hệ số môn thi chính.

Bộ yêu cầu: Trước ngày 20.5 hằng năm, nếu thấy cần thiết, các trường tự quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản, các trường thực hiện công tác xét tuyển như sau:

Đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính: xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học (đối với các trường đại học) hoặc mức xét tuyển cơ bản vào cao đẳng (đối với các trường cao đẳng) mà Bộ đã công bố.

Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính: xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường. Giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển này (điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính chia cho 4) không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào học đại học (mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học chia cho 3, đối với các trường đại học) hoặc giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào cao đẳng (mức điểm xét tuyển cơ bản vào cao đẳng chia cho 3, đối với các trường cao đẳng) đã được Bộ công bố và các trường đã lựa chọn.

Các trường tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Sự khác biệt của quy định xét tuyển này với quy định về điểm sàn trước đây: Thứ nhất, phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỷ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức nào phù hợp, qua đó khẳng định uy tín của trường trong xã hội. Thứ hai, đưa ra nguyên tắc để các trường tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo mà quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp.

>> 5 phương án xác định tiêu chí thay điểm sàn
>> Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Sửa quy định ưu tiên, bỏ điểm sàn
>> Tiêu chí nào thay điểm sàn?
>> Tiêu chí nào thay điểm sàn? - Kỳ 2: Trường tự xác đinh ngưỡng tuyển sinh
>> Tiêu chí nào thay điểm sàn? - Kỳ 3: Hướng tới tuyển theo năng lực

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.