Cách nhận biết bệnh sởi

18/04/2014 03:15 GMT+7

* Người lớn cũng có thể bị lây nhiễm Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo lâu nay phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi, nhưng nhiều nhất là dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, năm nay, bệnh xảy ra nhiều ở trẻ tuổi lớn hơn.

* Người lớn cũng có thể bị lây nhiễm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo lâu nay phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi, nhưng nhiều nhất là dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, năm nay, bệnh xảy ra nhiều ở trẻ tuổi lớn hơn.

Triệu chứng thường gặp những ngày đầu là sốt cao, ho, sổ mũi, mắt lèm nhèm, 3 - 4 ngày sau sốt thì ban đỏ (không có nước) xuất hiện, mọc dày khắp cơ thể. Ban sởi mọc từ đầu xuống chân; khi ban bay (lặn) đi cũng theo trình tự như thế. Các nốt ban sởi bay hết khi trẻ hết sốt và để lại các vết thâm. Vết thâm này sẽ mất đi không cần bôi thuốc. Những ai đã nhiễm vi rút sởi thì bệnh thể hiện ra ngoài chứ không tiềm ẩn bên trong. Nhưng với người đã từng được tiêm ngừa, có miễn dịch thì triệu chứng nhẹ, không bị biến chứng.

Theo bác sĩ Khanh, khi ban chưa mọc thì không chẩn đoán được sởi. Nếu nghi ngờ, đưa trẻ đến cơ sở y tế, phần lớn bệnh sởi điều trị ngoại trú (giảm sốt, giảm ho, theo dõi có biến chứng không), chăm sóc trẻ đúng - cho ăn uống đầy đủ không kiêng khem, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, phòng ốc trẻ cần thông thoáng, tránh ẩm thấp nhằm giảm biến chứng. Nếu không điều trị sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng, rất hay gặp ở bệnh này. Biến chứng nặng hơn của bệnh ở trẻ là viêm phổi, viêm não (nhưng hiếm hơn), tử vong (dễ xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, có sẵn bệnh khác...).

Theo bác sĩ Khanh, sau 10 ngày tiêm ngừa thì cơ thể đã có kháng thể phòng bệnh. Trẻ em tiêm sởi miễn phí trong chương trình nhà nước, tiêm mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai nhắc lại khi trẻ 18 tháng. “Vắc xin sởi miễn phí trong chương trình nhà nước rất hiệu quả, không cần thiết phải tiêm dịch vụ”, bác sĩ Khanh nói.

Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng khuyến cáo nguy cơ bị lây nhiễm sởi ở trẻ em và người lớn là ngang nhau, nếu người đó không có miễn dịch, không tiêm ngừa trước đó. Nếu bà mẹ đang mang thai bị lây nhiễm bệnh sởi thì có thể dẫn đến sẩy thai. Biến chứng nặng do sởi gây ra ở người lớn thường gặp là viêm não, viêm cơ tim.

Nếu trong nhà có trẻ mắc sởi thì nguy cơ lây bệnh cho người trong gia đình 80%, nếu các thành viên chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng mắc sởi.

Thanh Tùng

 >> Thời tiết chuyển mùa, bệnh sởi gia tăng
 >> Tiêm ngừa vắc xin không hiệu quả, bệnh sởi tiếp tục gia tăng
 >> Vẫn chờ bệnh sởi 'hạ nhiệt
 >> TP.HCM tăng cường phòng chống bệnh sởi
 >> Cứu sống bé trai bệnh sởi biến chứng nặng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.