Tan hoang đình Nam Tiến

17/04/2014 09:25 GMT+7

Hành trình 20 năm xin được công nhận là di tích của đình Nam Tiến bất thành đã khiến ngôi đình xưa này chỉ còn lại mảnh đất trống.

 Tan hoang đình Nam Tiến 1
Cổng đình Nam Tiến

Ngôi đình hơn 190 năm tuổi

Đình Nam Tiến, còn gọi là đình Lý Nhơn hay đình Ông Lý Nhơn (nay tọa lạc tại số 170 Bến Vân Đồn, P.6, Q.4, TP.HCM) xưa thuộc ấp Cây Đa, Vĩnh Thôn, trấn Gia Định (1802) và trấn Phiên An (1808), tỉnh Phiên An (tháng 10.1832), tỉnh Gia Định (tháng 8.1833). Dưới thời Pháp thuộc, năm 1872, đình thuộc tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, hạt Sài Gòn và sau đó thuộc tổng Dương Minh (1880), đầu thế kỷ 20 thuộc làng Bình Hòa Xã, tổng Bình Trị Thượng (Gia Định).

 

Đình Nam Tiến là một công trình gắn với yếu tố văn hóa biển. Những người phụng sự thờ tự ở thời điểm đó chính là những người trong các hạm đội thủy - hải quân thời Nguyễn thực thi việc bảo vệ chủ quyền và biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa

PGS-TS Phạm Đức Mạnh,
Trưởng bộ môn khảo cổ học, Khoa Sử Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM

Với bề dày lịch sử, đình Nam Tiến đã chứng kiến bao thăng trầm, gắn chặt với sự hình thành và phát triển đất Sài Gòn - Gia Định. Theo nghiên cứu của PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn khảo cổ học, Khoa Sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và PTS Trần Hồng Liên, Trung tâm nghiên cứu dân tộc học - tôn giáo, tương truyền, đình Nam Tiến được khởi công xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19, dưới thời Nguyễn Ánh - Gia Long (1802 - 1820). Bằng chứng hiện nay đình còn lưu giữ được bản sắc phong quý giá, có niên đại sớm nhất: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần được vua Minh Mạng ban năm 1825 ghi rõ niên đại: “Minh Mệnh ngũ niên, thất nguyệt, bát nhật” (Minh Mệnh năm thứ 5 -1825, tháng 7, mùng 8).

PGS-TS Phạm Đức Mạnh nhận định: “Ngôi đình là bằng chứng xác thực, xác nhận bước chân Nam tiến của người Việt đi mở cõi. Và đình Nam Tiến, ngay cái tên gọi cũng như về mặt kiến trúc, bài trí thờ tự, đối tượng thờ tự, tín ngưỡng và lễ hội của đình đã như một bằng chứng xác nhận điều đó. Vì thế, đình chứa đựng nhiều giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc. Về hệ thống văn bản cổ của đình Nam Tiến, có nhiều tài liệu rất có giá trị về lịch sử, văn hóa có nội dung liên quan đến đối tượng thờ tự, lịch sử hình thành qua các giai đoạn lịch sử và những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền thủy - hải - đảo của Việt Nam như sắc phong của vua Minh Mạng năm 1825 sắc cho thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân (thần Cá Ông - Cá Voi) đã có công lao phù trợ cho vua Gia Long và giao cho các đội Trường Đà (đội vận tải đường thủy của nhà nước thời đó) thờ tự thần theo như lệ cũ… Đình là một công trình gắn với yếu tố văn hóa biển. Những người phụng sự thờ tự ở thời điểm đó chính là những người trong các hạm đội thủy - hải quân thời Nguyễn thực thi việc bảo vệ chủ quyền và biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa”.

 Tan hoang đình Nam Tiến 2
Đình Nam Tiến từng là nơi cho thuê kho bãi 

Tan hoang đình Nam Tiến 3
Giờ chỉ còn lại bãi đất trống - Ảnh: Đ.T 

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đưa ý kiến: “Đình Nam Tiến là di tích lịch sử có vị trí đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM. Tên gọi và bản sắc thần là chứng tích của hoạt động vận tải đường thủy, liên quan đến biển và hải đảo của một thời quá vãng. Mặt khác, đình còn là nơi thờ tự Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - là người đã chính thức sáp nhập vùng đất mới phương Nam vào bản đồ nước Việt, đồng thời thiết lập bộ máy hành chính - cai trị ở vùng đất này. Nguyễn Hữu Cảnh được thờ từ Biên Hòa đến An Giang, riêng ở TP.HCM thì dường như đình Nam Tiến là nơi duy nhất thờ tự ông của cộng đồng người Việt”.

 

Về hệ thống đồ thờ tự của đình Nam Tiến, có thể đánh giá được giá trị của nhóm này trên cơ sở những di vật hiện tồn: sắc phong vua Minh Mạng, long mão, tượng nữ thần Kim Hoa Thánh mẫu, tượng ông Hổ, tượng Quan Công, gươm đao thờm văn tự cổ... là những di vật quý hiếm còn sót lại đang được lưu giữ và thờ ở phía sau đình.

Sẽ thành trường mẫu giáo ?

Quá khó để có thể nhận ra ngôi đình cổ khi ngay ở cổng vào chỉ còn cái bảng nhỏ xíu ghi Đình Ông Lý Nhơn. Hai bên cổng đình bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Càng bất ngờ hơn khi bước qua con ngõ chật hẹp, ngôi đình nằm lọt thỏm bên trong chỉ còn lại vỏn vẹn… 4 bức tường. Không có bất cứ hiện vật nào của ngôi đình trên mảnh đất trống với chung quanh là những bức tường loang lổ, cây cối mọc um tùm.

Những gì còn sót lại hiện được lưu giữ trong nhà hội phía sau đình. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hai (67 tuổi) kể: “Tôi là cháu nội của người trông giữ ngôi đình này. Nghe ông nội nói, bà cố tôi cũng trông coi đình. Sau năm 1975, đình được dùng làm rạp hát, rồi cho thuê chỗ chơi bi da, làm bánh mì và dịch vụ cầm đồ. Gần đây nhất là cho thuê kho bãi chứa đồ gỗ. Không ai chịu trách nhiệm tu sửa nên ngôi đình ngày càng xuống cấp, sụp đổ. Và bây giờ UBND Q.4 đang lên dự án sử dụng mảnh đất của ngôi đình làm trường mẫu giáo”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Linh, con gái bà Hai, tiếp tục kế nghiệp mẹ trông giữ những gì còn sót lại của ngôi đình cổ. “Năm 1998, cũng có nhà hảo tâm góp tiền tu sửa đình nhưng số tiền lúc đó chỉ vài chục triệu đồng, vừa đủ chống sập chứ không thể trùng tu ngôi đình. 20 năm qua, có biết bao nhiêu đoàn khảo cổ, nhà nghiên cứu rồi cả lãnh đạo địa phương, thành phố xuống tận đây xem xét, đo đạc rồi… về mà chẳng có phương án gì cụ thể để ngôi đình ngưng xuống cấp và sụp đổ như ngày nay”, chị Linh nhớ lại. (Còn tiếp)

Lương Chánh Tòng - Đỗ Tuấn 

>> Đình làng kỳ bí: Ngôi đình lớn nhất Quảng Nam
>> Một ngôi đình nên giữ lại
>> Đạo diễn Việt Linh: Tôi ra đi không vì “ngôi đình thiêng” bị xúc phạm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.