Nóng chuyện phong tướng ngành công an

16/04/2014 02:29 GMT+7

Hàng loạt vấn đề liên quan đến tính phù hợp với các nội dung Hiến pháp mới, chỉ đạo của Bộ Chính trị liên quan đến việc bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm tướng trong lực lượng công an nhân dân đã được đưa ra tại phiên thảo luận về dự thảo luật Công an nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua (15.4).

Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, dự thảo vẫn chưa thực hiện triệt để một số nội dung, trong đó có việc xác định vị trí có nhu cầu hàm cấp tướng chưa thật chặt chẽ, đúng nhu cầu trong luật. Dự thảo đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm tướng so với luật CAND hiện hành, hầu như tất cả các chức vụ cục trưởng đều có trần cấp hàm thiếu tướng; một số là trung tướng và nhiều chức danh tương đương với chức vụ cục trưởng cũng có trần cấp hàm thiếu tướng, trung tướng... Dự thảo đồng thời quy định phong cấp bậc hàm tướng đối với cả một số chức vụ ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có tính chất dịch vụ công.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, trước đây từng có quy định phong hàm thiếu tướng cho giám đốc sở công an tại các tỉnh, thành địa bàn trọng yếu nhưng do quy định chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng địa phương nào cũng áp dụng.

* Cũng hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến đối với dự luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Dự thảo quy định về việc “Công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội”. Theo một số đại biểu, hình thức tham dự các phiên họp cần được nêu cụ thể. Dẫn chiếu kinh nghiệm một số nước, đại biểu này cho rằng công dân chỉ có thể dự khán, quan sát, theo dõi trực tiếp hoặc gián tiếp phiên họp của Quốc hội, chứ không tham dự, phát biểu để đảm bảo các phiên họp diễn ra trật tự, chất lượng.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.