Hồ Trung Dũng: 'Không vội vàng khi muốn đi đường dài'

13/04/2014 03:00 GMT+7

5 năm sau khi tách ra solo, ra mắt 4 album, đoạt giải thưởng triển vọng Làn sóng xanh 2012 và 2 năm liên tục đoạt giải thưởng truyền hình HTV (2013, 2014), Hồ Trung Dũng cho biết “những gì đạt được nhiều hơn mình nghĩ và mong ước”.

5 năm sau khi tách ra solo, ra mắt 4 album, đoạt giải thưởng triển vọng Làn sóng xanh 2012 và 2 năm liên tục đoạt giải thưởng truyền hình HTV (2013, 2014), Hồ Trung Dũng cho biết “những gì đạt được nhiều hơn mình nghĩ và mong ước”.

 Hồ Trung Dũng:
Ca sĩ Hồ Trung Dũng - Ảnh: Nguyên Trương

Với người làm nghệ thuật, khởi nghiệp ở tuổi 27 (năm 2009, khi Dũng tách nhóm bè Cadillac, ngưng giảng dạy ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM để theo đuổi chính thức con đường ca hát) được cho là muộn. Thế nên không chỉ gia đình mà bạn bè của anh đã từng rất hoang mang, lo ngại cho anh.

Dũng bảo, người nhà lo vì “showbiz phức tạp lắm”, trách Dũng “đang làm thầy lại bỏ đi lằm “thằng””. Nhưng theo Dũng, “cuộc sống chỗ nào cũng phức tạp, song những phức tạp của showbiz được biết đến nhiều. Trong khi môi trường của những người có học vị học hàm biết đâu phức tạp ghê gớm hơn... Quan trọng là mình biết chọn cách sống thế nào thôi”. Anh nói: “Không phải mình quá khéo nhưng Dũng tự nhận mình là người thích nghi tốt”, vì vừa giảng dạy và hát bè trong 5 năm, Dũng vẫn thấy mình hoàn toàn thoải mái khi hoạt động trong hai môi trường đó. Riêng chuyện khởi nghiệp trễ, mọi người lo lắng cũng có lý, nhưng “Dũng nghĩ con đường mình đang đi là do số phận đẩy đưa, không thể thay đổi được”.

Dẫu không qua đào tạo bài bản, nhưng với “vốn tự có” - sở hữu chất giọng nam trung dày, đầy đặn cùng sự truyền cảm của người... không phải quá trẻ khi đến với dòng nhạc trữ tình - cái tên Hồ Trung Dũng đến nay giữ một vị trí nhất định trong thị trường nhạc Việt, có lượng khán giả mến mộ đủ để ủng hộ anh dẫn đầu bình chọn (ở sân chơi mỗi người chỉ được nhắn một tin như HTV Award). Không chỉ vậy, theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, người đang sản xuất album nhạc jazz cho Dũng, “giọng của Dũng đặc trưng cho kiểu giọng đàn ông vững chãi, kiêu hãnh, hơi lành lạnh, nhưng ẩn chứa bên trong sự trữ tình một cách rất nam tính. Bởi vậy, rất hợp với các loại nhạc swing, jazz, blue, hoặc nhẹ nhất thì cũng là rhumba cổ điển”. Có lẽ, chính vì khởi nghiệp trễ của Dũng mà nhạc sĩ không ngại bày tỏ sự lo lắng: “Để khẳng định theo dòng này, Dũng cần phải kiên định hơn nữa trước sức ép của thị trường nhạc Việt hiện nay, khi mà ca sĩ rất dễ rơi vào tâm lý nôn nóng muốn được khán giả số đông công nhận mình một cách mau lẹ, rồi sau đó đánh mất cá tính đích thực của mình”.

Dũng cũng ý thức được điều đó. Anh cho rằng: “Với dòng nhạc mình chọn, Dũng thấy không có gì phải vội vàng cả! Vì mình hiểu được sự tương đối của thời gian. Thời gian do mình định nghĩa nó chứ không phải hoàn toàn nó định nghĩa cho mình. Mình muốn đi con đường dài với nó thì sao mình phải lăn tăn chuyện khởi nghiệp lúc 17 hay 27? Dũng chia sẻ, lúc 17 tuổi anh đã có cơ hội đi hát rồi, sau khi đoạt giải 3 cuộc thi do phòng trà Nhiệt Đới tổ chức. Nhưng sau đó Dũng đậu đại học, rồi được học vượt lên năm 3, sang Đức, và mọi thứ cứ cuốn mình đi…

 

Đang nghĩ đến “những điều lớn hơn”

Sau cột mốc 5 năm đi hát solo, Hồ Trung Dũng đang mơ ước về “điều gì đó lớn hơn, những album “lớn” hơn, chương trình riêng lớn hơn mini show vào năm sau tại hai thành phố lớn”. Sau chuyến lưu diễn Mỹ tháng 5 tới, anh sẽ giới thiệu album được kỳ vọng là “lớn hơn” (về cả kinh phí lẫn giá trị nội dung, chất lượng): nhạc Phạm Duy - Trịnh Công Sơn, và chuẩn bị cho những dự án mới.

Từng cho rằng không bao giờ nghĩ mình sẽ làm ca sĩ, nhưng khi quyết định thôi giảng dạy ở Trường ĐH KHXH&NV, Dũng chia sẻ lý do “muốn theo đuổi đam mê từ nhỏ”, có gì đó mâu thuẫn trong những suy nghĩ này thì phải...

Chuyện đam mê và chuyện làm ca sĩ hoàn toàn khác mà! Có người nói với Dũng đừng bao giờ dại biến sở thích thành công việc vì một ngày nào đó sẽ bị mất luôn niềm vui của mình. Trước đây Dũng cũng nghĩ thế, chỉ muốn ca hát cho vui thôi, đi hát ở quán hay vào nhóm bè là vì vậy. Nhưng khi đi hát, mọi thứ đưa đẩy mình vào con đường dù đã trốn không muốn đi rồi. Đi hát, được gặp nhiều nhạc sĩ, nghe những lời khuyến khích… khiến mình thấy tự tin hơn một chút.

Nhờ hát bè, làm việc với những người đều từ nhạc viện ra, Dũng được học, vô thức thôi, những kỹ thuật tối thiểu về thanh nhạc, có nhiều kinh nghiệm về phòng thu nữa. Đứng một góc trên sân khấu nhưng mình quan sát được rất nhiều, từ đó mình biết mình có gì, hợp khán giả nào...

Và khi tách ra solo thì 2 năm sau thấy Hồ Trung Dũng có nhà riêng?

(Cười vang). Hơn một năm thôi. Nhiều người tưởng Dũng có... đại gia. Nhưng chuyện mua nhà hoàn toàn không liên quan. Nhà đó Dũng có được là từ thừa kế của mẹ, tiền tích lũy 5 năm đi dạy và hát trước đó nữa. Chỉ có xe hơi thì sau này mua được nhờ đi hát là đúng!

Đi hát rồi quay về dạy lại, với vai trò thỉnh giảng, “thầy Dũng” có khác gì so với trước đây?

Nếu thời gian đi dạy giúp cho Dũng tự tin hơn khi đứng biểu diễn cũng như trò chuyện trước công chúng, thì sau tạm ngưng dạy để tập trung ca hát, trở lại giảng đường Dũng lại thấy mình dễ tính hơn, thoải mái hơn (trong ăn mặc, di chuyển trên bục giảng…), nên các bạn cũng thoải mái hơn khi trao đổi bài vở với mình. Có cảm giác sinh viên thích hơn khi học với người thầy biết mang chất giải trí vào giảng dạy. Còn Dũng, mỗi tuần lại mong đến ngày được đứng lớp!

Nguyên Vân

>> ‘Chinh phục đỉnh cao’: Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng chia tay trong tiếc nuối
>> HTV Awards 2014: Văn Mai Hương, Hồ Trung Dũng tiếp tục được đề cử
>> Chinh phục đỉnh cao: Bất ngờ với Nathan Lee và Hồ Trung Dũng
>> Hồ Trung Dũng phát hành album nhạc xuân
>> Thành Lộc ‘xỉa xói’ Hồ Trung Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.